.

Mỹ tạo dựng niềm tin với Trung Quốc

.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, không có quan hệ quan trọng nào mà Washington thấy cần phải thiết lập như quan hệ với Trung Quốc.  

Mô tả ảnh.
Phó Tổng thống Joe Biden (trái) và Phó Chủ tịch Tập Cận Bình gặp gỡ tại Bắc Kinh. Ảnh: THX
 
“Mỹ và Trung Quốc tìm thấy những điểm chung đối với sự ổn định của kinh tế toàn cầu”, Phó Tổng thống Joe Biden phát biểu trong cuộc gặp gỡ Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 18-8. Ông Biden cũng nhấn mạnh rằng, không có quan hệ quan trọng nào mà Mỹ thấy cần phải thiết lập như quan hệ với Trung Quốc. 

Báo chí Trung Quốc cho hay, khủng hoảng nợ công và tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) là những vấn đề chính đặt lên bàn nghị sự. Mỹ luôn thúc giục Trung Quốc nâng tỷ giá đồng NDT để tránh tạo ra sự bất bình đẳng trong cán cân thương mại giữa 2 nước. Trong khi đó, Bắc Kinh thời gian gần đây đặc biệt quan ngại về nợ công của Mỹ, chỉ trích việc thâm hụt thương mại của “người khổng lồ” này xuất phát từ những sai lầm trong chính sách và quân sự.

Uy tín của ông Obama giảm sút

Tỷ lệ ủng hộ việc Tổng thống Barack Obama đối phó với nền kinh tế Mỹ giảm còn 26%, theo thăm dò mới nhất của Viện Gallup sau 2 tuần ông ký ban hành luật nâng trần nợ công và cắt giảm chi tiêu.

Hãng Reuters cho biết, 71% người Mỹ bày tỏ sự thất vọng với cách điều hành của ông Obama. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ chỉ 24%. 29% cử tri ủng hộ nỗ lực của người đứng đầu Nhà Trắng nhằm tạo ra thêm việc làm mặc dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao 9,6%.

Theo Hãng Reuters, chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ đến Trung Quốc nhằm xây dựng niềm tin, chứ không tìm sự đột phá với những thỏa thuận. Chuyến thăm này đã được Mỹ và Trung Quốc thống nhất vào tháng 1-2011, mở đường cho ông Tập Cận Bình đến Washington vào cuối năm nay. Ông Biden không ngần ngại khẳng định niềm tin rằng, sự ổn định kinh tế của thế giới phụ thuộc không ít vào hợp tác giữa Mỹ với Trung Quốc. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình cam kết hợp tác để thúc đẩy phát triển giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Với Trung Quốc, chuyến công du 5 ngày của ông Biden là cơ hội để xem xét dự định của Chính phủ Tổng thống Barack Obama đối với vấn đề nợ công cũng như việc Washington bán vũ khí cho Đài Loan, 2 vụ việc đều gây quan ngại cho Bắc Kinh. Đồng thời, CNN dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, chuyến công cán lần này còn là cơ hội để các quan chức Mỹ biết đến ông Tập Cận Bình, người được cho là sẽ kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Ngoài việc chuyển thông điệp trấn an chủ nợ Trung Quốc, ông Biden còn tìm kiếm các dấu hiệu về cách thức Phó Chủ tịch Tập Cận Bình giải quyết hàng loạt vấn đề như tiền tệ, quan hệ thương mại, căng thẳng ngoại giao liên quan đến Sudan và CHDCND Triều Tiên... 

Đây là lần thứ ba ông Biden đến Trung Quốc kể từ năm 1979. Lúc đó, ông tham gia vào phái đoàn của Thượng viện Mỹ đến quốc gia châu Á sau khi 2 nước bình thường hóa quan hệ. Lần này, nhân vật số 2 từ bên kia đại dương mang sứ mệnh đầy thiện chí nhưng rất nặng nề với áp lực khôi phục hình ảnh nước Mỹ sau khi cường quốc lớn nhất thế giới bị bủa vây trong nợ công và bị hãng Standard & Poor’s (S&P) hạ xếp hạng tín nhiệm tín dụng từ mức AAA xuống AA+. Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất đang nắm giữ hơn 1.000 tỷ USD trái phiếu Mỹ. Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ vô hình trung gây ảnh hưởng trực đến đến quyền lợi của Bắc Kinh. Vì vậy, mong muốn trên hết của Trung Quốc vẫn là cam kết của Washington rằng, tiền của Bắc Kinh vẫn an toàn.

Trong chuyến thăm được giới phân tích gọi là “đầu tư quan hệ tương lai Mỹ - Trung”, ông Biden cũng gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội nước chủ nhà Ngô Bang Quốc vào tối 18-8. Hôm nay (19-8), ông sẽ có các cuộc trao đổi với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo trước khi đến Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, vùng chịu thiệt hại nặng nề trong trận động đất năm 2008.

PHÚC NGUYÊN
;
.
.
.
.
.