Đồng yen tăng mạnh sẽ làm hàng hóa Nhật Bản đắt hơn ở thị trường nước ngoài. Ảnh: AFP |
Hãng CNN cho biết, chỉ một vài phút sau khi ông Noda đưa ra những bình luận trên, chỉ số Nikkei đã tăng 100 điểm. Trong phiên giao dịch sáng 4-8, 1 USD tương đương 78,3 yen, so với mức 77 yen trước đó. Ngân hàng Nhật Bản cho rằng, những động thái của Bộ Tài chính đối với thị trường ngoại hối như việc mua USD và bán đồng yen sẽ góp phần bình ổn giá cả.
Nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang chật vật sau thảm họa động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân hồi tháng 3 vừa qua thì nay bị tác động mạnh khi đồng USD sụt giảm. Các thị trường toàn cầu không ổn định xung quanh vấn đề nợ công của Mỹ, các nhà đầu tư rời bỏ đồng USD và đồng euro đã khiến đồng USD giảm so với đồng yen. Đà tăng của nội tệ sẽ gây tổn thương cho kinh tế Nhật, bởi không những làm giảm thu nhập nước ngoài của các công ty như Toyota, Nintendo mà còn làm hàng hóa của Tokyo trở nên đắt đỏ hơn ở các thị trường những quốc gia khác, ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu xuất khẩu.
Chánh Văn phòng Nội các Yukio Edano cho rằng, Chính phủ Nhật Bản đang đi đúng hướng. Bà Naomi Fink, chuyên viên của Tập đoàn Jefferries nhận định: Việc Chính phủ Nhật Bản can thiệp tiền tệ sẽ không gây ảnh hưởng lâu dài với giá trị đồng yen, mà chỉ nhằm cảnh báo các nhà đầu cơ và ngăn chặn nguy cơ hỗn loạn của thị trường. Kể từ lần can thiệp gần đây nhất đến nay (sau thảm họa động đất, sóng thần), đồng yen đã tăng khoảng 5% so với đồng USD và trong vòng 12 tháng qua tăng khoảng 12%.
Việc đồng yen tăng giá, nhất là từ sau thảm họa, đã khiến nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) phải ngồi lại để tìm giải pháp làm suy yếu loại tiền tệ này. Các quan chức lo ngại rằng, đồng yen tăng giá nhanh sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế. Hãng AP dẫn lời chuyên gia kinh tế trưởng của Chứng khoán RBS tại Nhật Bản nói rằng, sự can thiệp của Chính phủ với đồng yen mặc dù ngay lập tức mang lại lòng tin, nhưng dường như không làm thay đổi khuynh hướng tiền tệ lâu dài. Thực tế, dù nợ công của Nhật Bản gần gấp đôi quy mô 5.000 tỷ USD của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, nhưng đồng yen vẫn được xem là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư. Giới phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng nợ ở các nước sử dụng chung đồng euro đã khiến đồng yen trở thành một trong số ít các kênh đầu tư được yêu thích.
Sa thải các quan chức hạt nhân Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã sa thải 3 quan chức cấp cao về chính sách hạt nhân trong lúc nước này giải quyết khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi do thảm họa động đất và sóng thần hồi tháng 3 vừa qua. Theo đó, Giám đốc Cơ quan Năng lượng, Giám đốc Cơ quan An toàn Công nghiệp hạt nhân, Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp đã bị sa thải. Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Banri Kaieda nói rằng, ông muốn làm mới cơ quan này. Hãng tin AP cho biết, việc sa thải 3 quan chức là nỗ lực mới nhất của Thủ tướng Kan cùng nội các Nhật Bản khi bị chỉ trích đã không xử lý nghiêm khắc các lò vận hành điện hạt nhân và thực hiện những cải cách cần thiết sau thảm họa hạt nhân nghiêm trọng. Bộ trưởng Kaieda, một trong những gương mặt nổi bật của nội các, cũng dự kiến tuyên bố từ chức. Trả lời trước Quốc hội, ông Kaieda nói rằng sẵn sàng từ chức vào lúc thích hợp nhưng không cho biết thời gian cụ thể. |