.

Nhật quan ngại Hải quân Trung Quốc

.
Hải quân Trung Quốc dường như thúc đẩy các hoạt động trên mặt biển xung quanh Nhật Bản, theo Sách Trắng quốc phòng năm 2011 của Tokyo.

2-8,China’s-naval-forces-AFP.jpg
Lực lượng Hải quân Trung Quốc được cho là ngày càng mở rộng.  Ảnh: AFP
 
Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại về thái độ kiên quyết và phạm vi Hải quân ngày càng mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như trên Thái Bình Dương. Đồng thời, Tokyo cũng đặt nghi vấn về những gì mà nước này gọi là “sự mờ ám” trong ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh.

Hãng AFP cho biết, trong Sách Trắng quốc phòng năm 2011 dày 400 trang vừa được Nhật Bản công bố ngày 2-8, Tokyo đề cập rằng, Trung Quốc cũng có những tranh chấp về lãnh thổ với Nhật Bản cũng như với các nước Đông Nam Á. Báo cáo quốc phòng được nội các của Thủ tướng Naoto Kan phê chuẩn đã dùng một từ tiếng Nhật, có thể được dịch là “độc đoán” hoặc “quyết đoán” để mô tả lập trường của Trung Quốc trong những lợi ích xung đột với các nước láng giềng, bao gồm cả Nhật Bản. Hãng tin Jiji Press dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Toshimi Kitazawa trả lời báo giới sau đó xác định nghĩa tiếng Anh của từ trên là “quyết đoán”.

Sách Trắng cho biết, hướng tương lai của Trung Quốc có thể là nguyên nhân gây ra những quan ngại. Theo ông Kitazawa, đây là cách của Tokyo để thể hiện hy vọng Trung Quốc sẽ giải quyết những vấn đề tranh chấp thông qua quan hệ hữu nghị. Sách Trắng còn nhấn mạnh: Những phân tích về động thái gần đây của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động Hải quân tại những vùng biển gần Nhật Bản như Hoa Đông, Thái Bình Dương và Biển Đông.

Sách Trắng cũng nói thêm: Việc chi tiêu ngân sách quốc phòng của Trung Quốc không minh bạch, ngân sách quốc phòng công khai của Bắc Kinh được đa số cho rằng, đó chỉ là một phần trong khoản chi thật sự mà nước này dành cho các mục đích quốc phòng. Theo Sách Trắng, “sự mờ ám” trong các chính sách quốc phòng và những động thái quân sự của Trung Quốc gây ra những quan ngại cho khu vực, trong đó có Nhật Bản, và cho cả cộng đồng quốc tế. Vì vậy, cần phân tích cẩn trọng các hoạt động trên biển gần đây của quân đội Trung Quốc, bao gồm những lần triển khai tàu Hải quân đến gần Nhật Bản và việc phát triển các cơ sở hạ tầng làm căn cứ cho các hoạt động này. 

Sau vụ đụng độ giữa tàu cá Trung Quốc và tàu tuần tra Nhật Bản trên biển Hoa Đông vào năm ngoái, Tokyo đã chuyển trọng tâm quốc phòng từ Nga sang Trung Quốc. Nhật Bản cho biết, nước này sẽ triển khai binh sĩ đến quần đảo phía tây nam, củng cố lực lượng không quân ở Okinawa, điều binh sĩ và xe tăng ra khỏi đảo Hokkaido. Hiện Nhật Bản có 230.000 binh sĩ quân đội, nhưng chỉ bằng 1/10 so với lực lượng của Trung Quốc. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng gần 70% trong 5 năm qua, Nhật Bản lại giảm 3%.

Trong khi đó, quân đội Hàn Quốc đã chỉ trích Nhật Bản sau khi Sách Trắng quốc phòng của Tokyo khẳng định chủ quyền đối với các đảo tranh chấp giữa 2 nước. Căng thẳng ngoại giao giữa 2 quốc gia vùng Đông Bắc Á tăng cao, một ngày sau khi các nỗ lực của 3 nghị sĩ Nhật Bản đến thăm đảo Ulleung không thực hiện được. Họ đã bị chặn lại ở sân bay Gimpo và bị trục xuất về Tokyo. Hãng AFP cho biết, Sách Trắng của Nhật Bản mô tả đảo Takeshima (Hàn Quốc gọi là đảo Dokdo) là lãnh thổ nước này. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã triệu hồi Nobukatsu Kanehara, tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Nhật để bày tỏ phản đối. Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng yêu cầu Chính phủ Nhật Bản ngay lập tức rút lại các tuyên bố về lãnh thổ.

THIÊN BÌNH
;
.
.
.
.
.