.

Nước Mỹ thoát nguy cơ vỡ nợ

.
Sau nhiều tháng bế tắc, thỏa thuận nâng mức trần nợ công đã vượt qua những cửa ải cuối cùng trước thềm giờ G.

Mô tả ảnh.
Tổng thống Barack Obama ký ban hành luật nâng trần nợ công và cắt giảm chi tiêu.  Ảnh: THX
 
Nước Mỹ và cả thế giới đều thở phào khi Thượng viện và Tổng thống Barack Obama đều phê chuẩn luật nâng mức giới hạn vay nợ quốc gia lên trên 14.300 tỷ USD, cắt giảm chi tiêu công, tránh cho Chính phủ khỏi tình trạng vỡ nợ. “Thỏa thuận lịch sử” đạt được ngay trước thời hạn cuối - thời điểm Washington tuyên bố hết tiền chi trả tất cả khoản nợ.

Với 74 phiếu thuận và 26 phiếu chống, Thượng viện đã nhất trí dự luật vốn gây nhiều tranh cãi. Động thái của cơ quan lập pháp này diễn ra một ngày sau khi Hạ viện cũng bỏ phiếu tương tự với tỷ lệ 269 phiếu thuận và 161 phiếu chống. Theo đó, mức trần nợ quốc gia sẽ được nâng lên thêm 2.400 tỷ USD, đủ để nước Mỹ tiếp tục vay mượn tiền đến năm 2013. Thỏa thuận cũng sẽ cắt giảm ít nhất 900 tỷ USD chi tiêu của Chính phủ trong 10 năm và thành lập một ủy ban ngân sách lưỡng đảng để tìm giải pháp tiếp tục cắt giảm thâm hụt ngân sách thêm ít nhất 1.500 tỷ USD. Nguồn cắt giảm chủ yếu ở các khu vực công như lương hưu, trợ cấp nông nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... Tuy nhiên, dù ủy ban mới này không đạt được thỏa thuận cắt giảm chi tiêu, nhưng toàn bộ các cơ quan trong Chính phủ vẫn sẽ tự động bị cắt giảm ngân sách.

Phát biểu tại Nhà Trắng sau khi Thượng viện biểu quyết, Tổng thống Obama đã chỉ trích các nhà làm luật. Ông gọi cuộc khủng hoảng nợ trần là một trở ngại nữa cho sự phục hồi kinh tế. Nhà lãnh đạo nước Mỹ còn mô tả thỏa thuận vừa đạt được là bước đầu để bảo đảm việc đất nước của ông phải chi tiêu theo chừng mức của những gì có trong khả năng. Song, ông cảnh báo rằng, sẽ không thể giảm nợ công hơn nữa và không xóa bỏ những khoản ưu đãi thuế cho giới giàu có nhất cũng như cho các công ty lớn. Ông Obama thúc giục Quốc hội xem xét thúc đẩy kinh tế thông qua các giải pháp tạo việc làm và tăng niềm tin của người tiêu dùng.

Nếu mức trần nợ công không được gia tăng trước khi hết ngày 2-8 (giờ địa phương), người Mỹ có thể phải trải qua giai đoạn lãi suất tăng nhanh, trị giá đồng USD sụt giảm và thị trường tài chính dao động. Hãng Reuters dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, tuy thỏa thuận được thông qua nhưng chưa thật sự thông suốt giữa các bên. Đồng thời, đây là thất bại của Tổng thống Obama trong nỗ lực phục hồi kinh tế và tái tranh cử vào năm 2012. Nâng mức trần nợ và không giảm thuế, phúc lợi xã hội bị cắt giảm sẽ tạo ra áp lực lớn cho Chính phủ của ông Obama.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho biết, Mỹ vẫn xếp ở mức AAA nhưng cơ quan này hạ thấp khả năng trả nợ của nền kinh tế hàng đầu thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nợ công của Mỹ hiện đã vượt GDP của nước này khoảng 500 tỷ USD. CNN cho rằng, điều này dự báo khả năng Moody’s sẽ hạ tín nhiệm của nước Mỹ trong vòng một đến hai năm nữa. IMF thời gian gần đây cũng không kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh chóng thật sự của nền kinh tế Mỹ.

Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất đối với Mỹ, đã hoan nghênh thỏa thuận nâng trần nợ công của Washington. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc Zhou Xiaochuan bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ thực thi các giải pháp có trách nhiệm để giải quyết vấn đề nợ. Song, Bắc Kinh sẽ phải nỗ lực giảm thiểu tác động tiêu cực của biến động thị trường tài chính đối với nền kinh tế thứ hai thế giới. Trong lúc đó, cơ quan tín nhiệm Dagong của Trung Quốc đã hạ xếp hạng của Mỹ từ A+ xuống A.

PHÚC NGUYÊN
;
.
.
.
.
.