.

Philippines, Trung Quốc bàn về kinh tế và Biển Đông

.
Kinh tế và Biển Đông là 2 vấn đề trọng tâm trong sứ mệnh đến Trung Quốc của Tổng thống Philippines Benigno Aquino từ ngày 30-8 đến 3-9.

Mô tả ảnh.
Tổng thống Benigno Aquino tìm kiếm giao dịch thương mại hàng tỷ USD cho Philippines. Ảnh: AFP
 
Ngày 30-8, Tổng thống Aquino đã đến Bắc Kinh trong chuyến công du đầu tiên đến Trung Quốc, vốn được kỳ vọng hàn gắn mối quan hệ bị tổn thương giữa Manila với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chuyến công cán của ông Aquino diễn ra trong lúc Philippines và Trung Quốc căng thẳng xung quanh việc tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.

Hãng ABS-CBN News cho biết, Tổng thống Aquino đến Bắc Kinh, Thượng Hải và thành phố Hạ Môn thuộc tỉnh Phúc Kiến từ ngày 30-8 đến 3-9. Cùng đi với ông có một số thành viên nội các và phái đoàn doanh nghiệp khoảng 270 thương gia. ABS-CBN News nhấn mạnh: Tổng thống Aquino tập trung vào việc hợp tác kinh tế trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, và vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông cũng được đề cập một cách thận trọng để không làm ảnh hưởng đến quan hệ song phương. Song, theo các nhà quan sát, sẽ không có sự đột phá nào khi nêu ra vấn đề tranh chấp lãnh hải. Các quan chức Philippines trước đó nói rằng, những mục tiêu chính mà Tổng thống đặt ra là hàn gắn quan hệ và thúc đẩy niềm tin lẫn nhau để  bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông.

Trả lời báo giới khi đến Bắc Kinh, Tổng thống Aquino nói rằng quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc như một cuộc hôn nhân, đòi hỏi cả hai phải nỗ lực. Mối quan hệ này trở nên căng thẳng trong những tháng gần đây. Năm ngoái, vụ một cựu cảnh sát Philippines khống chế một chiếc xe buýt và làm 8 du khách Hồng Kông thiệt mạng đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh của quốc đảo châu Á này. Tháng 3 vừa qua, Bắc Kinh kết án 3 công dân Philippines tội buôn bán ma túy và căng thẳng liên tục leo thang ở Biển Đông. Philippines là một trong những nước chỉ trích Trung Quốc gay gắt nhất về những động thái khiêu khích của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trên Biển Đông. Các nhà chức trách Manila cáo buộc tàu Trung Quốc ngăn cản hoạt động khai thác dầu và khí đốt ở khu vực Bãi Cỏ Rong. Tổng thống Aquino cũng từng kêu gọi Trung Quốc chấp nhận để Tòa án của Liên Hợp Quốc về Luật biển giải quyết tranh cãi giữa các bên ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh bác bỏ đề xuất này. Manila còn cảnh báo rằng, nước này thúc đẩy hiện đại hóa lực lượng vũ trang và có thể có những tranh chấp tại Liên Hợp Quốc.

Giáo sư Renato Cruz de Castro, nhà phân tích chính sách tại Đại học De La Salle ở Manila nhận định: Các hội nghị thượng đỉnh ngoại giao mang tính biểu tượng, mục đích chỉ nhằm tạo ra môi trường tích cực để quản lý rủi ro. Theo vị giáo sư này, cách tốt nhất mà 2 nước có thể làm vào thời điểm này là kiểm soát căng thẳng.

Tranh chấp đã ngăn cản Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Philippines. Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Manila. Năm ngoái, giao dịch thương mại 2 chiều đạt 27,7 tỷ USD trong năm 2010, tăng 35,1% so với năm 2009. Trong khi đó, Manila cũng xem người láng giềng phía Bắc là nguồn thu đáng kể về đầu tư và du lịch. Lượng du khách từ Trung Quốc đến Philippines tăng hằng năm khoảng 20%. Theo các nhà chức trách, ông Aquino sẽ ký kết các thỏa thuận trị giá 50 tỷ USD trong thương mại song phương với Trung Quốc đến năm 2016.

Hiện có khoảng 2.492 người Philippines đang sống ở thủ đô Bắc Kinh và các thành phố lân cận.

THIÊN BÌNH
;
.
.
.
.
.