.

Thế giới lo thời hậu Gaddafi

.
Các hội nghị quốc tế sẽ được tổ chức để bàn về kỷ nguyên hậu Gaddafi ở Libya mặc dù nhà lãnh đạo nắm quyền ở đất nước Bắc Phi hơn 4 thập niên vẫn tuyên bố tử chiến. Người phát ngôn Chính phủ Libya Moussa Ibrahim nói rằng, 6.000 người tình nguyện đã đến Libya để chiến đấu vì Đại tá Gaddafi.

Mô tả ảnh.
Hàng ngàn người Libya mang cờ reo hò ở dinh thự Bab al-Aziziya.  Ảnh: AP
 
“Giành chiến thắng hoặc chết”

Tổng thống Muammar Gaddafi ngày 24-8 cam kết chiến đấu “cho đến khi giành chiến thắng hoặc chết”, đồng thời kêu gọi người dân ở thủ đô và các bộ tộc tiến về giải phóng Tripoli khỏi sự kiểm soát của quân nổi dậy.
Ông Gaddafi đã có bài phát biểu được thu âm và phát sóng trên đài truyền hình địa phương Al-Ouroba, một ngày sau khi hàng trăm phiến quân tràn vào dinh thự Bab al-Aziziya của ông ở Tripoli và “đại bản doanh” này bị phá hủy bởi 64 trận không kích của NATO. Nhà lãnh đạo này nói rằng, việc ông rời dinh thự Bab al-Aziziya là “động thái chiến thuật” và sau đó đã bí mật trở lại Tripoli nhưng không cảm thấy thủ đô rơi vào nguy hiểm.

Tripoli chìm trong hỗn loạn khi dòng người đổ ra phố reo hò, ăn mừng thắng lợi của quân nổi dậy. Cảnh hôi của cũng xuất hiện khắp nơi, giao tranh vẫn tiếp diễn lẻ tẻ ở một số khu vực. Tung tích của ông Gaddafi và các con trai vẫn là điều bí ẩn. Người phát ngôn Ibrahim khẳng định vị đại tá 69 tuổi sẽ quay trở lại Tripoli và Chính phủ phải nắm quyền để chiến đấu ở thủ đô “không chỉ trong nhiều tháng mà là trong nhiều năm”. Hãng Reuters dẫn lời người phát ngôn của Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (TNC) ở Libya Abdel Hafiz Ghoga rằng, ông Gaddafi phải đối mặt với phiên tòa ở đất nước này trước khi bị dẫn đến Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) tại Hà Lan.

Theo CNN, lực lượng chiến binh tuyên bố đã kiểm soát 90% đất nước và có kế hoạch di chuyển nhiều cơ quan quan trọng đến Tripoli. Các đại diện của phe nổi dậy dự kiến tiến hành những cuộc hội đàm cấp cao tại Qatar với đại sứ Mỹ, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất để thảo luận về thời hậu Gaddafi. Thủ lĩnh phiến quân Mahmoud Jibril tối 24-8 cũng gặp Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tại Paris để bàn về việc chuyển giao chính trị. Ông Jibril là người đứng đầu TNC ở Libya và được cho sẽ là Thủ tướng của đất nước Bắc Phi này. Pháp tìm kiếm giải pháp ngoại giao kể từ khi Libya bước vào khủng hoảng sau cuộc cách mạng bùng nổ ở Tunisia và Ai Cập vào cuối năm ngoái. Tổng thống Sarkozy kêu gọi một hội nghị đặc biệt mang tên “Những người bạn của Libya” được tổ chức tại thủ đô Paris trong vòng 10 ngày tới với sự tham gia của 30 lãnh đạo các nước cùng tổ chức quốc tế để hỗ trợ quốc gia xuất khẩu dầu mỏ của “lục địa đen” trong việc tái thiết và chuyển giao quyền lực. 

Nhiều nước đã công nhận TNC là Chính phủ hợp pháp đại diện cho người dân Libya. Tuy nhiên, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez khẳng định Caracas chỉ công nhận Chính phủ Libya do ông Gaddafi lãnh đạo. Tổng thống Gaddafi là đồng minh thân thiết của ông Chavez. Trong khi đó, Hàn Quốc cam kết viện trợ nhân đạo cho Libya trị giá 1 triệu USD.

Vai trò của Liên Hợp Quốc

Trong một tuyên bố đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 24-8, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì kêu gọi tất cả các bên ở Libya cần hòa giải chính trị và việc khôi phục sự ổn định tại đất nước Bắc Phi này là nhiệm vụ khẩn cấp nhất. Trung Quốc bày tỏ mong muốn sự chuyển giao quyền lực ổn định diễn ra ở Libya, đồng thời thúc giục Liên Hợp Quốc (LHQ) thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc tái thiết đất nước chìm trong xung đột này. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng, LHQ cần điều hành khi sắp xếp thế cuộc hậu xung đột, làm việc với Liên đoàn Arab, Liên minh châu Phi (AU) và các tổ chức khu vực khác.

Nếu chế độ của ông Gaddafi sụp đổ sẽ đặt Trung Quốc vào tình thế khó xử khi Bắc Kinh bỏ phiếu trắng về giải pháp của LHQ dùng vũ lực để bảo vệ dân thường và cho phép NATO dẫn đầu chiến dịch nhằm ủng hộ phiến quân hồi tháng 3 vừa qua. Trung Quốc từ chối việc chỉ trích ông Gaddafi và nói rằng, Bắc Kinh tôn trọng quyền của người dân Libya được lựa chọn tương lai của họ. Theo Hãng AP, Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn của Libya và là nước tiêu thụ dầu mỏ nhiều thứ hai thế giới. 26 công ty của Trung Quốc đã thực hiện dự án kinh doanh trị giá 20 tỷ USD ở Libya, chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng đường sắt, nhà ở, dầu mỏ và viễn thông. Bắc Kinh đã sơ tán 35.000 công nhân khỏi đất nước Bắc Phi này kể từ khi xung đột bùng phát.

PHÚC NGUYÊN
;
.
.
.
.
.