.

Thế giới quan ngại suy thoái

.
Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức gặp gỡ tại Paris để thảo luận các giải pháp kiểm soát nợ công của châu Âu vốn đang lan rộng khắp châu lục này.

Mô tả ảnh.
Tổng thống Sarkozy (trái) và Thủ tướng Merkel cũng đã gặp gỡ tại Berlin vào tháng 7 vừa qua để tìm giải pháp khủng hoảng nợ công.  Ảnh: Reuters
 
Hãng AP cho biết, thị trường chứng khoán châu Á ngày 16-8 tăng sau khi cổ phiếu ở Phố Wall leo thang trong phiên giao dịch thứ ba. Song, đồng euro trượt giá trước thềm đối thoại giữa Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Paris để bàn thảo giải pháp kiểm soát nợ công ở châu Âu. Đồng euro giảm 0,8% so với đồng franc của Thụy Sĩ, tương đương 1,12 franc, và giảm 0,4% so với đồng USD, tương đương 1,43 USD. Đồng franc vốn được xem là thiên đường an toàn cho các nhà đầu tư giữa lúc khủng hoảng thị trường hiện nay.

Một số nhà đầu tư hy vọng cuộc đối thoại Pháp - Đức ngày 18-6 sẽ đặt nền tảng khôi phục ưu thế và sức mạnh của các nước trong khu vực sử dụng đồng euro. Trong quý 2 năm nay, GDP của Đức chỉ tăng 0,1% so với quý trước, thấp hơn mong đợi và là mức yếu nhất kể từ năm 2009. Chuyên gia kinh tế Andreas Scheuerle tại ngân hàng Dekabank ở Frankfurt cho rằng, cuộc suy thoái toàn cầu đang dần dần tiến đến Đức. Hãng AP dẫn các dữ liệu cho thấy, Đức thật sự tăng trưởng chậm hơn cả Tây Ban Nha, đất nước đang chìm trong nợ với GDP chỉ tăng 0,2% trong quý 2.

Sau khi con số tăng trưởng của Đức được công bố, thị trường chứng khoán thế giới như bị hụt hơi, làm dấy lên quan ngại rằng, nền kinh tế toàn cầu đang sụt giảm. Giá dầu ở mức gần 87 USD/thùng tại châu Á. Trong khi đó, kinh tế Pháp đình trệ. Chuyên gia kinh tế Pháp Jacques Delpla nhận định: Khu vực đồng euro đối mặt với sự sụp đổ nếu các nhà lãnh đạo vượt xa hơn thỏa thuận tại hội nghị khẩn cấp về khủng hoảng nợ công vào ngày 21-7. Lúc đó, các nhà lãnh đạo 17 nước thuộc khu vực đồng euro đã thống nhất gói giải cứu thứ hai dành cho Hy Lạp và trao cho Cơ sở Ổn định tài chính châu Âu quyền hạn rộng lớn hơn đối với quỹ giải cứu. Tuy nhiên, bước đi này chỉ là giải pháp ngắn hạn cho khủng hoảng nợ công, buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu tuần trước phải mua trái phiếu của Ý và Tây Ban Nha.

Thống kê được công bố cũng cho thấy, tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng euro trong quý 2 là 0,2%, giảm từ tỷ lệ 0,8% của 3 tháng trước đó. Ngân hàng Thế giới (WB) kêu gọi Chính phủ các quốc gia tìm kiếm giải pháp dài hạn kiềm chế nợ công nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Mỹ và đang lan rộng ở châu Âu. Song, WB cho rằng, còn quá sớm để nhóm các nước lớn G20 có hành động đặc biệt. Phát biểu với báo giới tại thủ đô Canberra của Úc ngày 16-8, Chủ tịch WB Robert Zoellick nói rằng, vấn đề mà thế giới đang đối mặt không chỉ là những thách thức ngắn hạn mà cả những thách thức trung và dài hạn. Ông yêu cầu thúc đẩy chương trình mậu dịch tự do, đồng thời cảnh báo việc gia tăng chủ nghĩa bảo hộ.

Phát biểu của Chủ tịch WB được đưa ra sau khi các Bộ trưởng Tài chính của 5 nước, bao gồm: Canada, Anh, Nam Phi, Singapore và Úc, cùng tham gia vào một tuyên bố chung thúc giục hành động toàn cầu để khôi phục niềm tin đối với các Chính phủ, từ đó khôi phục tài chính.

Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 7-8 vừa qua đã cam kết hành động, nhất là sau khi Mỹ bị hãng Standard & Poor’s bất ngờ hạ mức tín dụng tín nhiệm từ AAA còn AA+. Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của G20 cũng hứa sẽ có những động thái phối hợp cần thiết nhằm hỗ trợ ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

THIÊN BÌNH
;
.
.
.
.
.