.
THẾ GIỚI TUẦN QUA

Nước Mỹ trước giờ suy thoái

.
Các nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa và Nhà Trắng ngày 31-7 thảo luận nâng mức trần nợ công thêm 2.400 tỷ USD, chia thành 2 giai đoạn, và cắt giảm chi tiêu 2.200 tỷ USD. Thỏa hiệp vừa ló dạng này mở ra cơ hội giúp nền kinh tế hàng đầu thế giới tránh nguy cơ vỡ nợ.

Mô tả ảnh.
Tổng thống Barack Obama đối mặt với bài toán nợ công. Ảnh: Reuters
 
Sau nhiều tuần mâu thuẫn giữa 2 đảng lớn nhất nước Mỹ, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Harry Reid nói rằng, đây là dấu hiệu của sự hợp tác và thỏa hiệp. Theo đó, giai đoạn đầu tiên được tiến hành ngay lập tức với việc nâng trần nợ công 1.000 tỷ USD và giai đoạn còn lại với 1.400 tỷ USD thực hiện trong năm nay. Người đau đầu nhất và đang chịu sức ép nhất có lẽ là Tổng thống Barack Obama. Tỷ lệ ủng hộ ông hiện dưới 40%, theo khảo sát của Tổ chức Gallup. Chạy đua từng giờ phút để thúc đẩy “lối đi chung” giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, hơn ai hết, ông Obama hiểu nguy cơ suy thoái rình rập, nhấn chìm cả con thuyền khổng lồ. Nếu Quốc hội không nâng mức trần nợ công lên trên ngưỡng 14.300 tỷ USD trước ngày 2-8, tương đương 100% GDP, Chính phủ Mỹ sẽ không còn khả năng vay nợ, lãi suất ngân hàng tăng, giá trị đồng USD giảm. Lúc đó, Washington buộc phải cắt giảm 40% chi tiêu, đẩy nền kinh tế nước này vào suy thoái.

Mỹ cần có một cuộc đàm phán khác về nâng mức nợ công trong năm bầu cử 2012 trong lúc quốc gia này đang trải qua sự chia rẽ lớn. Ông Harry Reid nói rằng, cuộc bỏ phiếu xung quanh kế hoạch nợ công của Đảng Dân chủ sẽ diễn ra vào chiều 31-7 (sáng sớm 1-8, giờ Việt Nam), thay vì sáng 31-7 (giờ địa phương), để các nhà đàm phán có thêm thời gian. Kế hoạch nâng trần nợ thêm 2.400 tỷ USD kèm với tăng thuế 400 tỷ USD theo kịch bản của Đảng Cộng hòa từng được Hạ viện thông qua vào ngày 20-7. Song, khi trình lên Thượng viện, Tổng thống Obama và Đảng Dân chủ đã đề nghị sửa đổi tăng mức thuế lên 800 tỷ USD. Đảng Cộng hòa đã bác bỏ đề xuất cũng như kế hoạch này.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick gọi hiện tượng Mỹ với khoản nợ công khổng lồ là thảm họa tài chính. “Nước Mỹ vỡ nợ không chỉ là thảm họa tài chính mà còn là nỗi nhục nhã đối với mọi công dân Mỹ”, ông Zoellick nói. Thực tế, cuộc khủng hoảng cuối năm 2008 của thế giới cũng bùng phát từ nước Mỹ và để lại những tàn tích không dễ gì xóa sạch. Vì thế, nếu bế tắc trong cuộc khủng hoảng lần này, hậu quả để lại sẽ rất nặng nề không những chỉ cho nước Mỹ mà còn đối với nền kinh tế toàn cầu vốn rất mong manh.

Kinh tế Mỹ trong quý 2-2011 chỉ tăng trưởng 1,3%, thấp hơn nhiều so với con số dự kiến 1,8%. GDP của quý 1 chỉ vỏn vẹn 0,4%, thua xa ước tính 1,9%. Theo giới chuyên gia, Mỹ đang chật vật với 6 tháng èo uột nhất kể từ khi cuộc đại suy thoái kết thúc vào tháng 6-2009. Nguyên nhân của bức tranh ảm đạm này chủ yếu là mức tiêu dùng hầu như không tăng, trong khi giá nhiên liệu và thực phẩm lại tăng cao.

Cuộc bầu cử vào năm 2012 đang đến gần. Khủng hoảng lần này chẳng khác gì quả bom nổ chậm nhằm vào ông Obama. Cho dù chỉ là phép thử với ông Obama và Đảng Dân chủ trong việc xoay chuyển tình thế, đối phó với thảm họa của đất nước, nhưng khủng hoảng cũng sẽ kéo theo sự sụt giảm niềm tin của công chúng. Một nhiệm kỳ 4 năm của ông Obama quả thật không dễ dàng!

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.