.
Thế giới tuần qua

Tài chính thế giới với nguy cơ mới

.
Mỹ cần nỗ lực nhiều hơn để đối phó với thâm hụt nợ công và các đối thủ kinh tế khác. Tuyên bố của người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney đưa ra sau khi cơ quan thẩm định tài chính quốc tế Standard & Poor’s (S&P) hạ thấp điểm tín nhiệm tín dụng của cường quốc hàng đầu thế giới, từ mức cao nhất AAA xuống còn AA+.

7-8,Standard-&-Poor’s-AFP.jpg
Trụ sở S&P tại New York. Lần đầu tiên trong 70 năm cơ quan này hạ xếp hạng tín nhiệm Mỹ.   Ảnh: AFP
 
Đây là lần đầu tiên trong 70 năm qua “người khổng lồ” Mỹ bị S&P, một trong 3 cơ quan xếp hạng lớn nhất thế giới, tụt hạng tín nhiệm. Đánh giá của S&P được cho sẽ làm dấy lên sự hỗn loạn khi thị trường chứng khoán mở cửa trở lại vào hôm nay (8-8). Điều đáng nói là quả bong bóng nợ công của Mỹ bị xì hơi sẽ kéo theo khủng hoảng của nền tài chính toàn cầu. Thậm chí, các nhà phân tích gọi động thái này là “cú sốc lớn”, như cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào cuối năm 2008 cũng lan rộng với xuất phát điểm ở Mỹ.

Từ khi được thành lập vào năm 1941 đến nay, S&P chưa bao giờ nghi ngờ về tính ưu việt của nền tài chính Mỹ và Washington luôn xếp ở mức AAA. Nhưng lần này, lòng tin của S&P đối với Mỹ giảm nghĩa là khả năng trả nợ của nước này trở nên èo uột đáng kể và mức AA+ cũng rất bấp bênh trong tương lai. Thỏa thuận mà Quốc hội Mỹ vừa đạt được trong việc nâng trần nợ công thêm 2.400 tỷ USD, vượt ngưỡng 14.300 tỷ USD và tiết kiệm ngân sách ít nhất 2.100 tỷ USD trong 10 năm không thể cứu vãn sự tín nhiệm tín dụng của S&P.

John Chambers, Chủ tịch Ủy ban đánh giá tín dụng quốc gia của S&P, chỉ trích giải pháp Mỹ đạt thỏa thuận nâng trần nợ công. Ông nói rằng, Washington lẽ ra tránh được việc bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm tín dụng nếu Quốc hội có những giải pháp tích cực và kịp thời hơn, thay vì 2 đảng đối đầu kịch liệt. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cũng xác nhận con đường đi đến thỏa thuận nợ công quá dài và quá chia rẽ nên các nghị sĩ bây giờ phải làm việc cùng nhau để thúc đẩy tăng trưởng.

Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất hiện nắm giữ 1.160 tỷ USD trái phiếu của Mỹ, mô tả nền kinh tế số 1 thế giới chìm trong “cơn nghiện nợ”. Các chuyên gia của Bắc Kinh còn cho rằng, chính sự “tranh chấp chính trị thiển cận” của Quốc hội Mỹ đã dẫn đến quả bóng nợ công phình ra. Tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc dẫn lời chuyên gia kinh tế Sun Lijian nhận định: Việc S&P hạ xếp hạng của Mỹ là hồi chuông cảnh báo với thế giới.

Tổng thống Barack Obama đã cam kết sẽ ưu tiên hàng đầu là tạo ra việc làm và tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp vào tháng 7 là 9,1%, giảm so với tháng 6 (9,2%) nhưng vẫn ở mức cao không thể chấp nhận được, theo đánh giá của Bộ Lao động Mỹ. Câu hỏi đặt ra là vì sao “người khổng lồ” luôn đứng ở vị trí số 1 lại cạn ngân sách. Vấn đề này đang làm đau đầu Nhà Trắng và nhất là cá nhân Tổng thống Obama cũng như Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner. Ông Geithner sẽ sớm công bố từ chức. Còn với ông chủ Nhà Trắng, thừa hưởng “di sản” do người tiền nhiệm G.W.Bush để lại với ngân sách âm cùng chi phí của 2 cuộc chiến bị sa lầy ở Iraq và Afghanistan lên đến hơn 1.200 tỷ USD, Tổng thống Obama phải chật vật xoay xở. Trong khi đó, 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa không ngừng “khẩu chiến” vì khoản cắt giảm ngân sách quốc phòng và câu chuyện chiến tranh. Giáo sư Ethan Ilzetzki (Trường Kinh tế London) hoàn toàn có lý khi cho rằng “chẳng có lý do gì để ăn mừng” việc Quốc hội Mỹ đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công. Bởi lẽ, những nhà lập pháp Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc “bắt tay” tiếp tục đội mức trần nợ công lên đến năm 2013.

Kinh tế Mỹ lao đao, tài chính thế giới cũng rung chuyển. Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 7-8 đã trao đổi qua điện thoại để tìm giải pháp và kêu gọi sự phối hợp quốc tế. Bộ trưởng Tài chính Pháp Francois Baroin cho rằng, vẫn còn quá sớm để khẳng định sẽ có một hội nghị G7 khẩn cấp hay không, vì theo kế hoạch phải đợi cuộc họp vào đầu tháng 9 tới tại thành phố Marseille. Còn nhóm các nền kinh tế lớn (G20) ngày 7-8 đã nhóm họp để bàn về khủng hoảng nợ của châu Âu và việc Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm.

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.