.
Thế giới tuần qua

Thất bại của Chính phủ Anh

.
Cuộc bạo loạn nghiêm trọng nhất ở London trong 25 năm qua đánh dấu sự thất bại của Chính phủ Anh. Con số 2.200 người bị bắt, trong đó 700 người bị truy tố vì tội trộm cắp, cướp bóc, hôi của không chỉ phản ánh tình hình xã hội của quốc gia châu Âu này trong hơn một tuần mà còn là bức tranh nội tại, làm phá sản các chính sách của Chính phủ.

            Cảnh sát bảo vệ bên ngoài tòa án ở London, nơi có 700 người liên quan đến bạo động bị truy tố.  Ảnh: EPA
Cảnh sát bảo vệ bên ngoài tòa án ở London, nơi có 700 người liên quan đến bạo động bị truy tố.  Ảnh: EPA
 
Cuối tuần qua, bên ngoài tòa án London, khi những người tham gia bạo loạn ra hầu tòa, một người mẹ đã hướng về cậu con trai của mình 11 tuổi bị cáo buộc trộm cắp và thốt lên: “Vì sao?”. Vì sao trong cuộc bạo động lần này lại có lắm cảnh tượng cướp bóc, hôi của trên đường phố như thế, trong đó có sự tham gia của các thiếu niên từ 11-13 tuổi? Chính phủ trung hữu nói rằng, Anh cần phải tìm giải pháp cho các vấn đề xã hội vốn là căn bệnh thâm căn cố đế. Chuyên gia nghiên cứu về tội phạm đường phố của Mỹ William Bratton cũng cảnh báo rằng, việc đơn thuần bắt giữ những người biểu tình sẽ không giải quyết được vấn đề. 

Thủ tướng David Cameron sau khi cắt ngắn kỳ nghỉ để trở về tìm cách đối phó khủng hoảng đã đưa ra những biện pháp nghiêm khắc với cam kết “công lý sẽ được thực thi”. Tuy nhiên, ông bị chỉ trích gay gắt thiếu khả năng kiểm soát bạo động. Ông cũng bị phê phán vì cách lý giải quá đơn giản về những cảnh tượng nhốn nháo với biết bao người đeo mặt nạ đi cướp bóc, hôi của: Đó là bọn tội phạm, là những kẻ thuộc chủ nghĩa cơ hội. Một số nhà phân tích cho rằng, cách lý giải của Thủ tướng Cameron biện minh cho sự thất bại của các chính sách.

Bạo động xuất phát từ vụ phản đối cảnh sát bắn chết Mark Duggan, một người lái taxi da màu 29 tuổi ở Tottenham chỉ là giọt nước tràn ly. Thực tế, bạo động được khơi nguồn từ sự thất bại của chính sách đa văn hóa mà Chính phủ Cameron dày công xây dựng. Đó là chưa nói đến những bất mãn âm ỉ trong xã hội - hệ lụy của sự bất bình đẳng. Và những bất mãn này được đánh thức đúng lúc thực hiện chương trình “thắt lưng buộc bụng” để giảm thâm hụt ngân sách, lạm phát.

Vì vậy, kế hoạch tiết kiệm chi tiêu chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tottenham là một trong những khu vực phức tạp ở London với 90% dân số nhập cư đến từ các thuộc địa cũ của Anh ở châu Phi. Quận Tottenham có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong số các địa phương thuộc thủ đô nên làn sóng biểu tình, bạo loạn từ nơi đây lan rộng nhanh chóng ra Manchester, Salford, Liverpool, Nottingham và Birmingham. Những kẻ cướp bóc thuộc mọi thành phần chủng tộc của Anh bị rủ rê, kích động xuống đường để hưởng thụ cảm giác trở thành “người có quyền lực” trong chốc lát. Tuy nhiên, điều này tạo ra những quan ngại về căng thẳng sắc tộc, nhất là vụ 3 người châu Á bị các thanh niên da đen lái xe tông chết ở Birmingham, thành phố lớn thứ hai của Anh.

Cơn thịnh nộ của người dân Anh là sự phản hồi mạnh mẽ đối với hệ thống chính trị của xứ sở sương mù này. Theo thống kê của Liên minh châu Âu (EU), Anh là một trong những quốc gia ở châu lục này có tỷ lệ thanh thiếu niên phạm tội cao nhất và có tỷ lệ bạo lực trong thanh thiếu niên cao nhất. Riêng trong tháng 6 vừa qua, 2.253 thanh niên 18 tuổi và dưới lứa tuổi này bị giam giữ.

Câu hỏi khó đặt ra cho nội các của Thủ tướng Cameron. Nhưng để trả lời được câu hỏi và tìm giải pháp căn cơ để trị triệt để căn bệnh bạo loạn thì không dễ.

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.