.

Thỏa thuận giải cứu nước Mỹ

.
Theo đó, thỏa thuận sẽ nâng mức trần nợ công thêm 2.400 tỷ USD, chia thành 2 giai đoạn, đồng thời cắt giảm 1.000 tỷ USD thâm hụt ngân sách trong 10 năm tới. Đây là điều kiện tiên quyết để Quốc hội Mỹ có thể thông qua kế hoạch nâng giới hạn vay nợ quốc gia vượt ngưỡng 14.300 tỷ USD hiện tại vào đêm 1-8 (sáng 2-8, giờ Việt Nam), tức 24 giờ trước thời hạn chót nền kinh tế hàng đầu thế giới tuyên bố vỡ nợ.

Mô tả ảnh.
Lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell (giữa) tươi cười khi đạt được thỏa thuận. Ảnh: AP
 
Tổng thống Obama đã hoan nghênh thỏa thuận vừa ló dạng này. Theo ông, cái bắt tay giữa các nhà lập pháp 2 đảng sẽ giúp xua tan đám mây mù nợ công và sự bất ổn lơ lửng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng vẫn chưa hài lòng về các điều khoản trong thỏa thuận. “Mọi việc vẫn chưa kết thúc”, ông Obama nói.

Nước Mỹ vẫn sẽ phải trải qua 2 cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện và Hạ viện để đưa ra quyết định cuối cùng trước khi chủ trương nâng mức trần nợ công chính thức có hiệu lực. Kế hoạch cũng bao gồm việc thành lập ủy ban lưỡng đảng nhằm đưa ra một báo cáo chi tiết hơn về kế hoạch cắt giảm thêm thâm hụt ngân sách vào tháng 11 tới.

Trần nợ công là giới hạn do Quốc hội Mỹ đặt ra, quy định mức tối đa mà chính quyền liên bang có thể vay hợp pháp. Mức trần nợ công hiện tại của Mỹ là 14.300 tỷ USD. Con số này cũng đã được nâng lên tổng cộng 74 lần kể từ năm 1962 đến nay. Theo hãng AP, nhiều chuyên gia kinh tế đã bày tỏ quan ngại rằng, việc cắt giảm chi tiêu có thể đe dọa đến sự phục hồi kinh tế vốn mong manh. 6 tháng đầu năm 2011 đánh dấu sự tăng trưởng kinh tế èo uột nhất của Mỹ kể từ cuộc đại suy thoái kết thúc vào tháng 6-2009 đến nay.

Nếu không vượt qua được giờ G, các hãng xếp hạng tín nhiệm sẽ hạ mức AAA của Mỹ, nghĩa là khả năng vỡ nợ sẽ cao hơn. Nhưng cho dù thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ, các hãng xếp hạng tín nhiệm cũng có thể hạ mức AAA đối với người khổng lồ thế giới. Khi tín nhiệm của Chính phủ giảm, người dân Mỹ sẽ phải chi trả nhiều hơn cho tiêu dùng, các khoản cho vay tiêu dùng, mua ô-tô, hoặc thế chấp sẽ tăng theo, từ đó làm thu nhập giảm. Nếu không đạt được thỏa thuận, nhưng lại không vỡ nợ, thì mỗi tháng không tăng trần nợ công, GDP của Mỹ sẽ giảm từ 0,5-1%, cổ phiếu giảm từ 10-15% và trái tức giảm còn 2,75%. Trong trường hợp xấu nhất là vỡ nợ, GDP của Mỹ có thể giảm 5% và cổ phiếu cũng sẽ rớt giá 30%.

Chủ tịch Hạ viện John Boeher nói rằng, Đảng Cộng hòa ủng hộ thỏa thuận nhưng đây không phải là thỏa thuận tốt nhất. Dù cả hai viện Quốc hội Mỹ sẽ phê chuẩn nâng mức trần nợ công nhưng động thái này ít nhiều để lại hậu quả nặng nề. Ảnh hưởng của Mỹ trong vai trò siêu cường của thế giới sẽ sụt giảm, áp lực cho Tổng thống Obama sẽ chồng chất khi ông bước vào cuộc tranh cử nhiệm kỳ hai.

Thông báo xác nhận của Tổng thống Obama về “thỏa thuận lịch sử” ngay lập tức tác động đến thị trường thế giới và châu Á. Hãng AP cho biết, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,8% và chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 1,7%. Giá vàng thế giới vốn tăng 2% vào tuần trước hôm qua giảm 18,2 USD (1,1%).

PHÚC NGUYÊN
;
.
.
.
.
.