Lầu Năm Góc nhận định: Sự phát triển quân đội hiện đại của Trung Quốc vào năm 2020 có thể gây bất ổn cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Quân đội Trung Quốc trong chương trình huấn luyện tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP/Getty Images |
Trong báo cáo thường niên về tình hình phát triển an ninh quốc phòng của Trung Quốc vừa được công bố, Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, sự phát triển quân đội của quốc gia châu Á này trong 10 năm qua đã vượt quá dự đoán của Washington. Chương trình tàu sân bay, khả năng chiến tranh mạng và tên lửa chống vệ tinh của Trung Quốc đều gây quan ngại cho các nước láng giềng và cả “người khổng lồ” Washington.
Hãng tin Reuters dẫn lời các nhà quan sát về Trung Quốc, trong đó có những thành viên Quốc hội Mỹ, nhấn mạnh việc tăng chi tiêu quốc phòng của Bắc Kinh lại trùng hợp với kế hoạch cắt giảm chi phí quốc phòng của Mỹ. Theo Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Howard McKeon, Trung Quốc rõ ràng tin rằng nước này có thể tận dụng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu để thúc đẩy phát triển quân sự.
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ đề cập đến tất cả quan ngại đối với khả năng phát triển quân sự của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Báo cáo nhắc đến các cuộc tấn công mạng vào năm 2010, trong đó có máy tính của Chính phủ Mỹ, và được cho là xuất phát ở Trung Quốc. Báo cáo viết: “Về mặt quân sự, chương trình hiện đại hóa liên tục của Trung Quốc đang thu được những kết quả rõ ràng. Năm 2010, Trung Quốc phát triển tên lửa chống hạm, xúc tiến chương trình đóng tàu sân bay và hoàn thành nguyên mẫu chiếc J-20, máy bay do thám đầu tiên của nước này”. Lầu Năm Góc nhận định: Mặc dù có những lỗ hổng trong một vài khu vực chủ chốt, phần lớn vũ khí hạng nặng đã lạc hậu và thiếu kinh nghiệm vận hành, nhưng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đang lấp đầy khoảng trống công nghệ bằng lực lượng vũ trang hiện đại.
Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Đông Á Michael Schiffer cho rằng, việc Trung Quốc xây dựng quân đội hiện đại sẽ có ảnh hưởng đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông kêu gọi PLA cởi mở hơn và tiến hành đối thoại quân sự song phương nhiều hơn. Tốc độ và quy mô của những nguồn đầu tư quân sự liên tục cho phép Trung Quốc theo đuổi mục tiêu nâng cao năng lực. Theo ông Schiffer, động thái này hàm chứa nguy cơ bất ổn đối với các cán cân quân sự cũng như làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Cũng theo Lầu Năm Góc, năm 2010, Trung Quốc tiêu tốn hơn 160 tỷ USD cho quân sự, vẫn thấp hơn nhiều so với ngân sách quốc phòng gần 700 tỷ USD cùng thời điểm của Washington. Năm 2011, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là 91,5 tỷ USD. Song, theo nhiều chuyên gia, thực chất Bắc Kinh sẽ phải bỏ ra con số cao hơn dự kiến.
Báo cáo của Lầu Năm Góc được công bố trong lúc Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực hàn gắn mối quan hệ nhiều sóng gió xung quanh những bất đồng về khủng hoảng nợ công, tỷ giá đồng Nhân dân tệ, tranh chấp của Bắc Kinh trên Biển Đông và việc Washington bán vũ khí cho Đài Loan. Quan hệ song phương giữa 2 cường quốc của thế giới chỉ mới ấm dần lên trong thời gian gần đây bởi những chuyến thăm lẫn nhau của các quan chức 2 bên.
Tuy nhiên, giới truyền thông Trung Quốc ngày 25-8 đã lên tiếng phản đối báo cáo dài 94 trang được trình lên Quốc hội Mỹ này và nhận định: Đây không những là hành động can thiệp vào vấn đề nội bộ mà còn bóp méo sự thật. Hãng Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho rằng, báo cáo “phản ánh tâm lý Chiến tranh Lạnh” và sẽ được sử dụng làm công cụ để mô tả Trung Quốc là mối đe dọa.
THIÊN BÌNH