Bằng nhiều hình thức, người dân Mỹ tưởng niệm vụ khủng bố cách đây 10 năm vốn làm 2.977 người thiệt mạng. 10 năm trước, một nhóm gồm 19 tên không tặc không những đã phá vỡ hệ thống an ninh của nước Mỹ mà còn khơi mào cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.
10 năm qua, cuộc chiến này đã làm thế giới hao tổn không ít tiền của, công sức, thậm chí sinh mạng. Nhưng chủ nghĩa khủng bố vẫn là mối đe dọa lớn đối với an ninh và hòa bình thế giới. Còn giải pháp đơn giản để ngăn chặn hiểm họa này thì vẫn còn lơ lửng và mơ hồ.
Sự kiện 11-9-2001 đã làm thay đổi cuộc sống ở nước Mỹ. 10 năm sau, người dân New York đã học cách sống trong thế giới nguy hiểm hơn.
Trước và trong khi nước Mỹ kỷ niệm 10 năm thảm họa ở Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) và Lầu Năm Góc, an ninh được thắt chặt, nhất là tại New York. Các nhà chức trách cho rằng, đây là phản ứng cần thiết trước đe dọa về một âm mưu mới của Al-Qaeda. Song, có những dấu hiệu cho thấy người dân New York dường như chán ngán khi phải sống trong nỗi lo sợ khủng bố, khi hình ảnh Tòa tháp đôi - biểu tượng sức mạnh và niềm kiêu hãnh của Mỹ - rung chuyển và đổ sập vẫn không dễ gì nhạt nhòa. Họ nói rằng, đừng gọi tên Ground Zero (nơi Tòa tháp đôi bị phá hủy), đừng dùng cụm từ “góa phụ 11-9” và đừng nhắc đến tên của những người xấu số đã thiệt mạng bởi những điều này chỉ gợi đến cảm giác bất an và nguy cơ mới.
Nghiên cứu của Đại học Quinnipiac cho thấy, người Mỹ đã và đang chấp nhận thế giới nguy hiểm hơn với các âm mưu tấn công. 58% người dân New York và 49% người Mỹ tin rằng, sẽ có một vụ khủng bố khác ở thành phố này, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Nhưng với người New York, từ sau sự kiện gây chấn động thế giới vào năm 2001, ngày 11-9 của mọi năm sau đều giống nhau, đều có sự lo sợ, cảnh báo và rồi mọi việc vẫn theo trật tự của nó. Judith Richman ở Đại học Illinois tại Chicago nói rằng, mọi người bận rộn cho cuộc sống hiện tại, chứ không phải vì cột mốc của quá khứ với 2.977 nạn nhân và 19 tên không tặc đã chết. Theo Judith, ngày 11-9-2001 đã mang đến những ký ức đau buồn trong thời gian ngắn, rồi mọi người lại tất bật trở về với cuộc sống thường nhật. Bởi lẽ, trong cuộc suy thoái của toàn cầu hiện nay, nỗi lo lúc này là tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm. Mối quan tâm hàng đầu của cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2012 cũng là nền kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp ở mức hơn 9%.
Một số người lập luận: Nền kinh tế sụt giảm của nước Mỹ có thể bắt nguồn từ các vụ tấn công ngày 11-9-2001. Bởi sau đó, Mỹ đã tiêu tốn hàng ngàn tỷ USD và hàng ngàn sinh mạng vào các cuộc chiến tranh từ thời Tổng thống G.W.Bush.
Đúng vào ngày 11-9 năm nay, Tổng thống Barack Obama đến thăm WTC cùng với người tiền nhiệm G.W.Bush, đến Lầu Năm Góc và tham dự lễ tưởng niệm tại Shanksville, Pennsylvania - nơi chiếc máy bay thứ tư lao xuống. Ông Obama khẳng định nước Mỹ trong 10 năm qua đã trở nên hùng mạnh hơn và Al-Qaeda đang trên đường bị diệt vong. Tuy nhiên, Alexei Malashenko của Trung tâm Carnegie Mátxcơva (Nga) nhận định: Sức mạnh quân sự không thể “nhổ” được khủng bố. Mỹ không chỉ có một số mục tiêu cá nhân cụ thể, chẳng hạn như Osama bin Laden, Ayman al-Zawahiri, vì sau khi những tên trùm này bị tiêu diệt, những kẻ khủng bố khác sẽ lấp đầy chỗ trống và tiếp tục tạo nên mối đe dọa. Tờ Thời báo Mátxcơva của Nga cho rằng, cả hai cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq đều vô nghĩa, bởi 2 “di sản” đồ sộ này của ông Bush đã kéo theo hàng loạt hệ lụy, trong đó đáng kể nhất là làm suy yếu nền kinh tế hàng đầu thế giới.
10 năm, nước Mỹ hùng mạnh hơn hay không thì chưa rõ, ngoài tuyên bố của người đứng đầu Nhà Trắng. Chỉ thấy rằng, ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ, ông Bush phải chật vật, phần lớn là giải quyết các vấn đề hậu chiến tranh Afghanistan và Iraq, tức là hậu 11-9-2001. Còn chặng đường đi của ông Obama ở Nhà Trắng cũng không trải nhiều hoa hồng và trước mắt là không ít chông gai trong cuộc đua nhiệm kỳ 2.
VĨNH AN