.

Ấn Độ với Biển Đông

Mới đây, Tập đoàn ONGC Videsh (OVL) của Ấn Độ loan báo về quá trình thảo luận với đối tác PetroVietnam để thăm dò dầu khí ở hai lô 127 và 128 ngoài khơi hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, có thể bắt đầu từ năm tới. Thông tin về dự án hợp tác ngoài khơi Biển Đông của hai tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam và Ấn Độ từ khi đưa ra đã thu hút sự chú ý đặc biệt, nhất là trong truyền thông Trung Quốc.

Các phát ngôn viên của Trung Quốc, mới nhất là ông Hồng Lỗi ngày 19-9 nói: “Bất cứ nước nào thăm dò dầu khí ở trong vùng này mà không có sự chấp thuận của chính quyền Trung Quốc cũng đều vi phạm chủ quyền và lợi ích quốc gia của Trung Quốc, là bất hợp pháp và vô giá trị”. 

Tuần trước, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị một lần nữa khẳng định mọi ý kiến phản đối dự án hợp tác về dầu khí giữa Việt Nam và Ấn Độ tại khu vực nói trên là vô giá trị. Đồng thời, theo tờ Wall Street Journal ngày 23-9, Chính phủ Ấn Độ cũng ra tuyên bố bày tỏ luôn tin tưởng vào quyền tự do hoạt động hợp pháp trên Biển Đông và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam thăm dò dầu khí ở vùng biển này. Ngoài ra, Chủ tịch A.K.Hazarika của Công ty Dầu khí Ấn Độ ONGC cho hay công ty này sẽ bắt đầu khoan dầu tại một trong hai lô 127 -128 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm tới. Ông Hazarika nhấn mạnh: “Bộ Ngoại giao (Ấn Độ) vừa khẳng định với chúng tôi rằng sẽ không có vấn đề gì đối với dự án hợp tác thăm dò tại đó”.

Như vậy, ngoài việc Ấn Độ khẳng định sự hợp tác khai thác dầu khí trên vùng biển thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam là hoạt động bình thường trong quan hệ quốc tế giữa các nước, các nhà quan sát còn nhìn nhận dự án hợp tác dầu khí nói trên là một bước tiến của Ấn Độ vào Biển Đông nhằm đối trọng với TQ trong việc giành  ảnh hưởng ở khu vực.

Báo “Thái Dương” (Hồng Công) số ra ngày 20-9 đăng bài của tác giả Bành Hải Văn cho biết quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam có sự phát triển vượt bậc. Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Ấn Độ vẫn cương quyết khai thác dầu khí ở Biển Đông. Mục đích của chính sách Hướng Đông, ủng hộ Việt Nam của Ấn Độ là nhằm chống lại việc Trung Quốc ủng hộ  Pakistan ở Nam Á. Theo Bành Hải Văn, do Trung Quốc kiên định ủng hộ Pakistan, làm cho Ấn Độ rơi vào tình trạng dù chiếm thế thượng phong trong các cuộc chiến tranh với  Pakistan, nhưng vẫn không thể nào giành được thắng lợi cuối cùng. Đồng thời, cuộc chạy đua vũ trang với Pakistan, đã gây tác động xấu tới sự nghiệp phát triển kinh tế của Ấn Độ. 

Hơn nữa, việc Trung Quốc xây dựng cảng biển ở Bangladesh , Sri Lanka, càng làm cho Ấn Độ khó chịu, nên Ấn Độ luôn dùng chính cách mà Trung Quốc đối phó với mình để đối phó với Trung Quốc. Ấn Độ đề ra chính sách Hướng Đông là muốn liên kết với các nước Đông Á có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc để phối hợp đối phó với Bắc Kinh.

NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.