.

Đông Nam Á với thách thức khủng bố

Hôm nay, theo giờ Washington, nước Mỹ kỷ niệm 10 năm tròn xảy ra vụ tấn công khủng bố kinh hoàng do Al-Qaeda thực hiện làm cho gần 3.000 người thiệt mạng. Sự kiện này đã  tạo ra một bước ngoặt thay đổi  thế giới vào những năm đầu của thế kỷ XXI và khai mào cho cuộc chiến chống khủng bố trên quy mô toàn cầu do Mỹ đứng đầu.

Đối với Đông Nam Á (ĐNA), nơi trú ngụ của một số chi nhánh Al-Qaeda tại Indonesia, Philippines... đã và đang đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng. Theo các chuyên gia, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy ĐNA là căn cứ địa quan trọng cho khủng bố quốc tế Al-Qaeda. Vài tháng sau vụ 11-9, chuyên gia về khủng bố Rohan Gunaratna của Anh ước tính 1-5 lực lượng của mạng lưới khủng bố toàn cầu Al-Qaeda là ở châu Á.

Vụ đánh bom ở đảo du lịch nổi tiếng Bali của  Indonesia tháng 10-2002, khiến hơn 200 người thiệt mạng, cho thấy ĐNA là một vùng đất “phì nhiêu” để khủng bố   phát triển. Sau vụ đánh bom đảo Bali, một loạt vụ khủng bố đẫm máu đã xảy ra: Vụ gài bom ở khách sạn Mariott năm 2003, vụ tấn công khủng bố nhằm vào sứ quán Australia ở Jakarta năm 2004, các vụ gài bom ở đảo Bali năm 2005, các vụ đánh bom ở Jakarta năm 2009, vụ đánh bom ở một giáo đường Thiên chúa giáo trên đảo Jolo (Nam Philippines) năm 2010...

Theo các chuyên gia về khủng bố, tại ĐNA, hoạt động khủng bố dường như nhằm vào  Indonesia, Philippines, Malaysia và Singapore. Không phải đợi tới sau vụ 11-9 ở Mỹ mà từ trước đó, vào năm 1988, mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda đã tiếp cận với các nhóm khủng bố ở ĐNA để thiết lập căn cứ địa đầu tiên ngay tại khu vực có đại đa số người theo Thiên chúa giáo, chứ không phải Hồi giáo. Rồi từ “bàn đạp” Philippines, Al-Qaeda quay sang dùng  Indonesia như là vùng “đất phì nhiêu” nhất trong khu vực để góp phần làm “sinh sôi nảy nở” Hồi giáo cực đoan ở ĐNA, đặc biệt là tổ chức khủng bố khu vực Jemaah Islamiah. Cuối năm 2001, các vụ bắt giữ nghi can khủng bố ở Singapore, Malaysia và Philippines cho thấy Jemaah Islamiah thừa sức tổ chức những nhóm khủng bố “nằm vùng” chuyên về hậu cần và đánh bom.

Đáng chú ý, Jemaah Islamiah phối hợp hoạt động với các nhóm khủng bố khác trong khu vực như nhóm Hồi giáo Abu Sayyaf chuyên bắt cóc đòi tiền chuộc và nhóm khủng bố người Công giáo và Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro ở phía Nam Philippines. Tất cả các tổ chức khủng bố khu vực này hoạt động theo “trục” Al-Qaeda. Một thành viên người  Indonesia của Al-Qaeda là Fathur Rohman al-Ghozi đã hoạt động mạnh mẽ ở Philippines và thực hiện một loạt vụ đánh bom ở Manila cuối năm 2000, khiến 22 người chết và hàng trăm người bị thương. Các phần tử khủng bố tại Singapore có liên hệ với tổ chức khủng bố khu vực Jemaah Islamiah cũng sẵn sàng dùng bom xe tấn công nhiều mục tiêu tại Singapore. Tuy nhiên, những âm mưu đó đã bị nhà chức tranh Singapore ngăn chặn kịp thời.

10 năm sau sự kiện 11-9, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta  vẫn cảnh báo khả năng xảy ra các cuộc tấn công khủng bố vẫn hiện hữu nên thế giới cần cảnh giác. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm 9-9 cũng tuyên bố mối đe dọa khủng bố hiện nay “không làm cho bất cứ người Mỹ nào ngạc nhiên“ mà là “sự nhắc nhở người Mỹ phải tiếp tục cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực”.  Bà Hillary đã trình bày một chiến lược liên kết nền ngoại giao và quân sự trong quá trình can dự với thế giới của Chính quyền Mỹ và phát động một “cuộc tiến công ngoại giao nhằm thúc đẩy hợp tác đa phương và song phương trong cuộc chiến chống khủng bố”.

Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng  Indonesia Hassan Wirajuda, nhấn mạnh cần phải có một liên minh quốc gia với quy mô lớn để tiêu diệt nạn khủng bố không chỉ bằng vũ lực mà còn thông qua biện pháp đối thoại về tôn giáo, văn hóa và văn minh... Bằng phương cách đó, những kẻ gieo rắc thù hận sẽ phải cáo chung. Đây là vấn đề các nước Đông Nam Á đã và đang hợp tác hành động  đấu tranh chống khủng bố, nhằm kiến tạo một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.