.

Lãnh đạo Anh, Pháp đến Libya

.
Lần đầu tiên các lãnh đạo nước ngoài hiện diện ở Libya kể từ khi Tổng thống Muammar Gaddafi bị lật đổ.

Mô tả ảnh.
Thủ tướng Cameron (trái) và Tổng thống Sarkozy là những người đi đầu trong chiến dịch chống Libya. Ảnh: AFP
 
Các lãnh đạo cấp cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bao gồm Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron ngày 15-9 đã đến Libya để có các cuộc đối thoại đầu tiên với Chính phủ lâm thời đất nước Bắc Phi này. Ông Sarkozy và ông Cameron gặp gỡ lãnh đạo Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (TNC) và những nhân vật khác chống Chính phủ Gaddafi tại thủ đô Tripoli, để chúc mừng chế độ mới được thành lập, trước khi đáp chuyến bay đến Benghazi.

Pháp và Anh, những nước đi đầu trong chiến dịch chống Libya, trước đó luôn nhấn mạnh rằng Đại tá Gaddafi không phải là mục tiêu của NATO. Theo các “ông lớn” này, hành động của liên minh quân sự hướng đến việc bảo vệ thường dân và chống lại quân đội của vị Tổng thống nắm quyền hơn 40 năm. Máy bay Pháp đã thực hiện chuyến bay đầu tiên trong chiến dịch không kích trên bầu trời Libya. Pháp cũng là nước đầu tiên công nhận TNC. Hãng Reuters cho biết, ông Sarkozy và ông Cameron lần này muốn minh chứng “chiến thắng chặng” khi lật đổ ông Gaddafi, bất chấp những phản đối và quan ngại ở trong nước cũng như quốc tế khi cuộc chiến bắt đầu. 

Mặc dù Chủ tịch TNC Mustafa Abdul Jalil cam kết rằng, lãnh đạo Anh, Pháp sẽ an toàn ở Libya nhưng cùng đi với ông Sarkozy có đến 160 nhân viên an ninh, hầu hết thuộc lực lượng chống khủng bố đặc biệt. Chuyến thăm Libya của ông Sarkozy và ông Cameron đã được xem xét từ vài tuần trước. Kế hoạch ban đầu là phải đợi cho đến khi phục hồi an ninh trên khắp đất nước Libya, nhưng các nhà chức trách cho rằng việc 2 ông có mặt ở Tripoli và Benghazi sẽ thúc đẩy sự ủng hộ của phương Tây đối với TNC. Phương Tây và đồng minh lo lắng về việc Libya sẽ được cộng đồng quốc tế công nhận như thế nào bởi ít nhất phải tạo cơ sở để nước này có thể tái khởi động việc sản xuất dầu thô vốn bị đình trệ trong suốt 6 tháng chiến tranh. TNC kỳ vọng với chuyến công cán của ông Sarkozy và Cameron, Libya sẽ nhận được những khoản viện trợ để tái thiết đất nước. Anh đã đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự thảo dỡ bỏ cấm vận đối với Công ty Dầu mỏ quốc gia Libya (NOC) và Ngân hàng Trung ương nước này. Theo Chủ tịch Công ty dầu mỏ quốc gia Libya (NOC) Nouri Berouin, việc xuất khẩu dầu thô sẽ được khởi động từ cảng phía đông Tobruk trong vòng 10 ngày tới và có thể trong 6 tháng sản xuất được 1 triệu thùng dầu/ngày.

Hàng loạt các quan chức cấp cao khác liên tiếp hiện diện ở Libya. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan dự kiến đến Tripoli vào ngày 16-9. Ngoại trưởng Ai Cập Mohammed Kamel Amr cũng sẽ đến quốc gia giàu dầu mỏ này. Trong khi đó, có mặt nơi đây vào ngày 14-9, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Jeffrey Feltman là quan chức cấp cao nhất của Washington đến Tripoli kể từ cuối tháng 8 vừa qua, thời điểm ông Gaddafi bị lật đổ.

Song, bất chấp những nỗ lực ngoại giao để ổn định thời hậu chiến, Reuters dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, hòa bình và thịnh vượng cho tương lai Libya vẫn là bài toán xa vời. Ông Gaddafi đã không xuất hiện trước công chúng kể từ tháng 6 vừa qua. Trong bức thư được công bố trên đài truyền hình Arrai có trụ sở ở Syria, Đại tá Gaddafi kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bảo vệ quê nhà Sirte - nơi lực lượng trung thành của ông vẫn đang cố thủ - trước những gì mà cựu lãnh đạo 69 tuổi này mô tả là “tội ác” của NATO.

Hiện tại, phần lớn các con đường đến Tunisia, Ai Cập, Chad và Sudan đều bị phe chống Chính phủ Gaddafi kiểm soát, Niger được xem là lối thoát cho lực lượng trung thành với ông, trong đó có cả con trai Saadi của vị Đại tá này.

PHÚC NGUYÊN
;
.
.
.
.
.