Trước Quốc hội, Thủ tướng Yoshihiko Noda cam kết tái thiết đất nước và phục hồi kinh tế. Ảnh: AP
|
Hãng AFP dẫn lời ông Noda phát biểu trước Quốc hội rằng, Nhật Bản nên đặt mục tiêu giảm phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân càng nhiều càng tốt xung quanh tầm nhìn trung hạn và dài hạn. Đây là bài phát biểu đầu tiên của Thủ tướng Noda kể từ khi nhậm chức từ 2 tuần trước đó. Tuy nhiên, ông không loại trừ việc sử dụng năng lượng hạt nhân và nói rằng, các lò phản ứng hiện không được vận hành nhưng sẽ được tái khởi động sau khi kiểm tra an toàn. Chính phủ Tokyo đã ra lệnh kiểm tra an toàn đối với tất cả các lò phản ứng hạt nhân. Hơn 30 trong số 54 lò phản ứng đã bị ngừng hoạt động trong mùa hè này, gây ra tình trạng thiếu điện giữa tiết trời nóng bức.
Trước khi xảy ra thảm họa động đất và sóng thần, kéo theo khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới trong vòng 25 năm qua ở nhà máy Fukushima Daiichi, Nhật Bản đặt ra mục tiêu sử dụng năng lượng hạt nhân để đáp ứng 50% nhu cầu năng lượng vào năm 2030. Quốc gia vùng Đông Bắc Á này muốn giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và gia tăng sự độc lập về năng lượng cho một đất nước vốn nghèo tài nguyên.
Thủ tướng Noda cũng khẳng định về chiến lược phục hồi kinh tế của Nhật Bản vào cuối năm nay và thúc đẩy những nỗ lực tái thiết vùng đông bắc sau thảm họa hồi tháng 3. Ông còn kêu gọi cử tri hướng đến tương lai cũng như không quên tinh thần của tất cả người dân Nhật Bản vốn được thế giới biết đến và ca ngợi dù đối mặt với sự tuyệt vọng trong thảm họa.
Trong bài phát biểu, ông Noda cũng cam kết giảm nỗi sợ hãi của người dân về bệnh tật ở trẻ em và phụ nữ sơ sinh, đồng thời nỗ lực để bảo đảm an toàn thực phẩm, bồi thường cho nông dân và những người bị ảnh hưởng do rò rỉ phóng xạ tại nhà máy Fukushima Daiichi. Thảm họa động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân đã tác động đáng kể đến nền kinh tế Nhật Bản trong lúc nợ công ngày càng phình ra và dân số đang già hóa. Xuất khẩu, hợp tác đầu tư và tiêu dùng đều giảm trong những tháng gần đây. Dự kiến ngân sách dành cho việc tái thiết sẽ được nâng lên 160 tỷ USD và trình Quốc hội vào tháng 10 tới.
Hãng AP cho biết, sự khởi đầu của Thủ tướng Noda dường như rất hanh thông, bởi tỷ lệ ủng hộ dành cho ông hiện khoảng 60%, mặc dù nhà lãnh đạo này vừa phải chọn cựu Chánh văn phòng nội các Yukio Edano thay thế Bộ trưởng Thương mại Yoshio Hachiro. Tuy nhiên, Reuters cho rằng, vị Thủ tướng thứ 6 của Nhật Bản trong vòng 5 năm qua lại không đưa ra bất kỳ chính sách mới cụ thể nào trong bài phát biểu đầu tiên.
Báo cáo của Tổ chức Hòa bình xanh quốc tế và Viện Chính sách năng lượng bền vững có trụ sở tại Tokyo (ISEP) cho biết, Nhật Bản có thể từ bỏ điện hạt nhân vào cuối năm tới và tạo ra 43% sản lượng điện vào năm 2020 bằng năng lượng tái tạo. Để đáp ứng được mục tiêu này, Hòa bình xanh và ISEP kêu gọi Nhật Bản giảm trung bình 1,7% nhu cầu điện/năm từ nay đến năm 2020. Hisayo Takada, nhà vận động về khí hậu và năng lượng thuộc Hòa bình xanh, nhận định chỉ với 11 trong số 54 lò phản ứng đang hoạt động vào mùa hè và ít có tác động đến đời sống, Nhật Bản đã chứng minh rằng, nước này không cần đến năng lượng hạt nhân. “Điều mà Nhật Bản cần là những giải pháp tham vọng tạo ra việc làm, sự độc lập về năng lượng, bảo đảm tương lai an toàn, sạch và bền vững”, Takada nói. |