.
Thế giới tuần qua

EU trong giai đoạn nguy hiểm

.
“Giai đoạn nguy hiểm” là mô tả của bà Christine Lagarde - Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - khi đề cập đến cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu. “Cái rốn của khủng hoảng” bắt nguồn từ châu Âu đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu.

Mô tả ảnh.
Sự có mặt của ông Timothy Geithner (thứ hai, từ phải sang) không mang lại thỏa thuận cho EU. Ảnh: Bloomberg
 
Các Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp ở thành phố Wroclaw của Ba Lan vào cuối tuần qua đã không đạt được thỏa thuận giải quyết khủng hoảng. Sự có mặt đặc biệt của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cũng không dung hòa được các bất đồng. Ông Geithner kêu gọi các nước trong khu vực đồng euro tăng quy mô của Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) trị giá 440 tỷ euro (607 tỷ USD) để hỗ trợ các nước đang gặp rắc rối, và hành động nhanh chóng nhằm chống đỡ cho hệ thống tài chính, ngân hàng. Điều này có thể giải tỏa mối quan ngại xung quanh việc khu vực đồng euro không đủ tiền để hỗ trợ Tây Ban Nha và Ý trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, kêu gọi của người đứng đầu ngành Tài chính Mỹ bị bác bỏ.

Vấn đề nan giải vẫn là Hy Lạp. Tâm điểm của những lo lắng nhất của châu Âu và Mỹ cũng vẫn là Hy Lạp. Thủ tướng nước này, ông George Papandreou, đã hoãn chuyến đi Mỹ tham dự các cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và IMF để từ London (Anh) trở về Athens nỗ lực tìm kiếm khoản vay nợ cho đất nước này, trị giá 109 tỷ euro. Trong đó, các khoản vay của Hy Lạp trị giá 8 tỷ euro trong tháng 10 tới sẽ được 3 nhà cho vay quyết định, bao gồm Ủy ban châu Âu (EC), IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Nhiều nhà phân tích nghi ngại rằng, Hy Lạp có phải là một Lehman Brothers của châu Âu hay không? Ba năm trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ lúc đó là ông Hank Paulson đã có quyết định quan trọng: Để cho Ngân hàng đầu tư khổng lồ Lehman Brothers sụp đổ. Ngân hàng lớn thứ tư của Mỹ bị xóa sổ - nước Mỹ choáng váng - thị trường tài chính bị chấn động. Ngày nay, nhiều người nhận định: Quyết định của ông Paulson sai lầm. Vì vậy, nếu để Hy Lạp chìm trong vòng xoáy khủng hoảng, hoặc đẩy quốc gia này ra khỏi châu Âu thì việc vỡ nợ là không tránh khỏi. Và như thế, không nước nào thoát nạn mà nền tài chính sẽ theo hiệu ứng domino sụp đổ. Cảnh báo của ông Geithner phản ánh tình hình thực tế và cũng là bài học từ vụ Lehman Brothers. Tuy nhiên, để Hy Lạp có gói giải cứu 109 tỷ euro theo thỏa thuận hồi tháng 7 vừa qua xem ra là chuyện không dễ. Bởi lẽ, Phần Lan đòi Athens phải ký quỹ thì mới cho nước này vay nợ. Trong khi đó, Áo thẳng thừng nhận định: Để Hy Lạp vỡ nợ là kịch bản ít tốn kém nhất đối với châu Âu. 

Đảng Dân chủ mới đối lập bảo thủ ở Hy Lạp, vốn bỏ phiếu chống lại gói giải cứu quốc gia này vào năm ngoái, cho rằng bầu cử là giải pháp duy nhất để Athens thoát khỏi khủng hoảng. Đảng này chỉ trích các chính sách “thắt lưng buộc bụng” không những không giúp Hy Lạp vượt qua khủng hoảng mà còn bóp nghẹt nền kinh tế.

Mỹ cũng đứng ngồi không yên trước số phận của nền kinh tế Hy Lạp nói riêng, châu Âu và toàn cầu nói chung. “Giai đoạn nguy hiểm” vẫn lửng lơ. Song, dù Mỹ sốt ruột như thế nào trước động thái chậm chạp của các “ông lớn” châu Âu khi nợ công ngày càng nghiêm trọng, thì châu lục này không dễ gì cho Washington nhúng tay vào công việc nội bộ của họ. 

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.