Với việc tuyên bố ra tranh cử Tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng 3-2012, Thủ tướng Vladimir Putin đã chấm dứt mọi đồn đoán kéo dài về sự trở lại của ông tại Điện Kremlin.
Nếu giành chiến thắng - điều gần như chắc chắn, ông Putin sẽ trở thành vị Tổng thống quyền lực hơn lúc ông rời nhiệm sở vào năm 2008 sau hai nhiệm kỳ liên tiếp 8 năm với những thành công vang dội. Bởi lẽ, năm 2012, nhiệm kỳ Tổng thống sẽ tăng lên 6 năm, thay vì 4 năm. Và như thế, cuộc bầu cử vào năm tới có thể mở đường cho nhà lãnh đạo vốn được người dân Nga yêu mến nắm quyền ở Điện Kremlin thêm 2 nhiệm kỳ, tức 12 năm nữa.
Khi đề cử ông Putin, Đảng Nước Nga Thống nhất với 312/440 ghế trong Quốc hội cũng thống nhất đề xuất Tổng thống Medvedev giữ vai trò Thủ tướng, nhân vật số hai ở nước Nga. Sự hoán đổi được cho là không bất ngờ bởi trên chính trường Nga đến lúc này vẫn chưa có bất kỳ tên tuổi nào cạnh tranh được với bộ đôi Putin - Medvedev.
Hầu hết người dân Nga đều tin rằng, ông Putin có sức ảnh hưởng lớn và quyền lực hơn ở quốc gia này so với Tổng thống đương nhiệm Medvedev. Hình ảnh của ông với ngực trần cưỡi ngựa, lặn biển và thể hiện môn judo được người Nga bình luận đầy lòng yêu mến, ngưỡng mộ. Các chính sách của ông, trong đó có việc trấn áp các chiến binh Hồi giáo ly khai Chechnya, cũng giành được sự ủng hộ của đa số cử tri. Trong suốt 2 nhiệm kỳ Tổng thống trước đây, ông Putin điều hành nước Nga như một “tư lệnh thép”. Nhiều người dân Nga xem ông là nhân vật mạnh mẽ, quyết đoán, cần cho một đất nước gặp nhiều khó khăn do tham nhũng, Hồi giáo nổi dậy và sự bất bình đẳng kinh tế lớn. Hơn nữa, theo các nhà phân tích, ông Putin trở lại Điện Kremlin có thể giúp tháo gỡ tranh chấp giữa Nga với Mỹ xung quanh việc xây dựng hệ thống phòng vệ tên lửa ở châu Âu và những vấn đề khác. Tuy nhiên, áp lực kinh tế có thể khiến ông phải thực hiện cải cách để thu hút thêm đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, giữ cương vị Tổng thống và được mô tả là “người giữ chỗ”, ông Medvedev đã kêu gọi những cải cách trong hệ thống tòa án và nỗ lực chống tham nhũng. Song, kết quả từ những sáng kiến của ông dường như không rõ nét. Nếu đổi vị trí cho ông Putin để đứng đầu Chính phủ, ông Medvedev sẽ có thể tiếp tục theo đuổi những mục tiêu: Hiện đại hóa kinh tế, bảo hiểm xã hội cho dân chúng, chống tham nhũng, xây dựng hệ thống chính trị hiện đại... Như 7 phương hướng ưu tiên phát triển nước Nga mà ông Medvedev đã nêu tại Đại hội Đảng Nước Nga Thống nhất cuối tuần qua, bao gồm: hiện đại hóa nền kinh tế, hệ thống giáo dục, tái trang bị kỹ thuật cho ngành công nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư; thực hiện các cam kết về xã hội, đấu tranh chống nghèo khổ và hiện đại hóa ngành y tế; đấu tranh chống tham nhũng; củng cố hệ thống tòa án trên cơ sở các nguyên tắc độc lập và công bằng; duy trì và củng cố hòa bình; xây dựng hệ thống chính trị hiện đại; bảo đảm an ninh trong nước và an ninh quốc tế.
Dưới thời Medvedev, mặc dù có ít thay đổi trong các chính sách quốc nội nhưng quan hệ của Nga với phương Tây ít căng thẳng hơn. Quan hệ Mátxcơva - Washington phản ánh sáng kiến “cài đặt lại” của người đứng đầu Nhà Trắng Barack Obama. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ ông Obama có giành thêm một nhiệm kỳ nữa hay không để tiếp tục chính sách “cài đặt lại” với ông Putin.
Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin ngày 25-9 cho biết, ông sẽ từ chức vào năm tới nếu Tổng thống Dmitry Medvedev trở thành Thủ tướng. Ông Kurdin bày tỏ sự không hài lòng với quyết định của ông Putin trong việc đề xuất ông Medvedev làm Thủ tướng sau cuộc bầu cử. Vốn hàm ý sẽ nắm giữ cương vị Thủ tướng, ông Kurdin đã giành được sự tín nhiệm của các nhà đầu tư và giúp nước Nga vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 2008. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy các ứng viên Tổng thống khác, như Vladimir Zhirinovsky hoặc Gennady Zyuganov đều có ít sự ủng hộ hơn so với ông Putin. |