.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo: Trung Quốc không thể đơn độc phát triển

.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho rằng, cường quốc châu Á này không thể đơn độc phát triển, mà phải xem xét sự tăng trưởng trong nước và toàn cầu.

 

Mô tả ảnh.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới. Ảnh: THX

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở thành phố cảng Đại Liên của Trung Quốc ngày 14-9, Thủ tướng Ôn Gia Bảo bày tỏ tin tưởng Mỹ và châu Âu sẽ vượt qua khủng hoảng kinh tế. Ông khẳng định: Trung Quốc hiện tập trung thúc đẩy nhu cầu trong nước và sự chuyển hướng này sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế toàn cầu.
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng Trung Quốc bị chỉ trích xung quanh một số chính sách kinh tế. Mỹ là một trong những nước chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ nhất và 2 bên đã có những bất đồng về các giải pháp thương mại, tiền tệ của Bắc Kinh. Trung Quốc bị cáo buộc đã tập trung quá nhiều vào nhu cầu xuất khẩu và kiềm tỷ giá đồng Nhân dân tệ thấp hơn so với đồng USD, tạo sự cạnh tranh bất bình đẳng trên thị trường quốc tế.

 

Theo Hãng Tân Hoa xã, các chuyên gia tại WEF đã chia sẻ niềm lạc quan với Thủ tướng Ôn Gia Bảo về kinh tế toàn cầu. Song, điều khiến giới phân tích quan ngại chính là sự phục hồi của kinh tế Mỹ sẽ diễn ra chậm trong khi Liên minh châu Âu (EU) phải đấu tranh để khắc phục khủng hoảng nợ công.

Cũng trong ngày 14-9, các lãnh đạo Pháp, Đức và Hy Lạp nhóm họp giữa lúc dấy lên những lo lắng rằng Athens có khả năng vỡ nợ và Rome sẽ bị hiệu ứng domino vỡ nợ tiếp đó. Song, theo Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Trung Quốc sẵn sàng đầu tư hơn nữa ở châu Âu - khu vực mà ông gọi là đối tác chiến lược và kinh tế quan trọng. Tuy nhiên, các nước này cần ngăn chặn khủng hoảng nợ lan tràn và công nhận vị thế kinh tế thị trường hoàn toàn của Trung Quốc, giải pháp kỹ thuật giúp loại bỏ những hạn chế đối với xuất khẩu của Bắc Kinh và đầu tư vào châu Âu. Ông Ôn Gia Bảo cũng đã nhấn mạnh đến cam kết này trong cuộc trao đổi qua điện thoại mới đây với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Barroso. Mô tả Trung Quốc là “nền kinh tế thị trường hoàn toàn mở”, người đứng đầu Chính phủ Bắc Kinh còn kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn để đối phó với các vấn đề của kinh tế toàn cầu. “Dựa vào các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đến năm 2016, Trung Quốc sẽ được công nhận vị trí kinh tế thị trường hoàn toàn. Nếu các nước châu Âu có thể biểu hiện thiện chí sớm hơn sẽ phản ánh mối quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc với các quốc gia châu lục này”, ông Ôn Gia Bảo nói.  

Hãng AP cho biết, các Chính phủ phương Tây đang trông chờ Trung Quốc đầu tư vào châu Âu khi châu lục này đang chật vật với nợ công ngày càng phình ra. Nền kinh tế hàng đầu châu Á đã nhanh chóng thoát khỏi cuộc khủng hoảng toàn cầu vào cuối năm 2008 và đạt 3.200 tỷ USD dự trữ nước ngoài. Lạm phát của Trung Quốc trong tháng 8 vừa qua là 6,2%. Các nhà phân tích cho rằng, lạm phát ở “người khổng lồ” châu Á sẽ leo thang trong một vài tháng tới và vẫn ở mức cao so với mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là 4%. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 9,5% trong quý 2, trong khi quý 1 là 9,7%.

Tại Hội nghị thượng đỉnh ở Washington vào tuần tới, Trung Quốc sẽ thảo luận về khả năng viện trợ cho khu vực đồng euro với lãnh đạo các nền kinh tế mới nổi, bao gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi (còn được gọi là BRICS).

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.