Chính phủ lâm thời Libya yêu cầu quân ủng hộ Tổng thống Muammar Gaddafi phải đầu hàng trước ngày 3-9, nếu không sẽ đối mặt với giao tranh quân sự.
Lực lượng phiến quân nói rằng, thời hạn đầu hàng trước ngày 3-9 được đưa ra với phe ủng hộ Tổng thống Gaddafi tại quê nhà Sirte của ông và một số thị trấn khác. Trong quá trình đến thị trấn Sirte để truy lùng nhà lãnh đạo này, quân nổi dậy nỗ lực giảm thiểu thiệt hại từ sự phản kháng của lực lượng dưới quyền ông. Phiến quân cũng yêu cầu Algeria trao trả vợ và 3 người con của ông Gaddafi, trong đó có 2 con trai là Hannibal và Mohammed cùng con gái Aisha vừa hạ sinh tại đất nước này vào ngày 30-8.
Người phát ngôn của ông Gaddafi, Moussa Ibrahim, đã bác bỏ tối hậu thư và cho rằng, không một đất nước nào chấp nhận tối hậu thư của các băng nhóm vũ trang. Ông Ibrahim khẳng định: Đại tá Gaddafi sẽ cử con trai Saadi đàm phán với phiến quân và thành lập một Chính phủ chuyển tiếp.
Tại Libya, lãnh đạo quân nổi dậy khẳng định họ đang khôi phục trật tự của đất nước sau nội chiến. Ngày 3-9, hạn cuối theo tối hậu thư mà lực lượng này đưa ra đối với phe của ông Gaddafi, là thời điểm sau khi kết thúc lễ Hồi giáo. Ông Mustafa Abdul-Jalil, Chủ tịch Hội đồng chuyển tiếp dân tộc (TNC), nói rằng sau thời hạn trên, quân nổi dậy sẽ “hành động kiên quyết trên phương diện quân sự”.
Có những đồn đoán rằng, Đại tá Gaddafi đang trú ẩn ở thị trấn Sirte hoặc một trong những căn cứ địa còn lại của ông, trong đó có thị trấn Bani Walid hoặc Sabha. Một tờ báo của Algeria cho biết, con gái Aisha của ông Gaddafi đã sinh tại biên giới mà không có sự hỗ trợ y tế nào. Theo các nguồn tin, sự việc này là một trong những nguyên nhân khiến Algeria quyết định cho gia đình ông Gaddafi tị nạn.
Riêng số phận của Khamis, một người con trai khác của ông Gaddafi, vẫn còn là dấu hỏi. Phiến quân cho rằng, Khamis đã chết trong một cuộc giao tranh ở miền nam Tripoli vào tuần trước, nhưng chưa có nguồn tin xác định về cái chết này. Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) đang xem xét phát lệnh truy nã đối với Khamis sau khi một vụ thảm sát được phát hiện xảy ra ở gần nơi lữ đoàn của ông này đóng quân. Khoảng 56 thi thể bị cháy được phát hiện bên trong một tòa nhà cũ gần doanh trại lữ đoàn 32 của Khamis. Hãng Reuters dẫn lời các lãnh đạo phiến quân cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng lực lượng trung thành với ông Gaddafi đã tàn sát trước khi quân nổi dậy tấn công vào đây.
Trong lúc đó, Chính phủ lâm thời Libya đã bác bỏ ý định của Liên Hợp Quốc (LHQ) triển khai các quan sát viên quân sự tại quốc gia Bắc Phi này. Theo ông Mustafa Abdul-Jalil, Libya không cần nước ngoài hỗ trợ trong việc bảo đảm an ninh. Hội đồng Bảo an LHQ cũng đã cho phép Anh giải tỏa khoản tiền trị giá 1,6 tỷ USD mà London phong tỏa của Libya để mua hàng cứu trợ cho đất nước Bắc Phi này. Theo đó, khoản tiền này sẽ dùng cho các nhu cầu nhân đạo khẩn cấp, chi trả lương cho công nhân làm việc ở các khu vực chủ chốt… Hội đồng Bảo an LHQ còn xem xét đề nghị của Đức và Pháp giải tỏa khoản tiền 1,4 tỷ USD và 7,2 tỷ USD của Libya bị 2 quốc gia châu Âu này phong tỏa.
PHÚC NGUYÊN