.

Ba phụ nữ được trao giải Nobel Hòa bình 2011

.
Nữ tổng thống Liberia và hai nhà bảo vệ quyền lợi phụ nữ ở Liberia và Yemen đoạt giải.

 

Mô tả ảnh.
Từ trái qua: Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf. Bà Leymah Gbowee người Liberia. Bà Tawakul Karman người Yemen (Ảnh: REUTERS)

 

Ngày 7-10, Ủy ban Nobel ở Oslo (Na Uy) đã công bố giải Nobel Hòa bình năm 2011 được trao cho nữ Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, nhà hoạt động hòa bình Leymah Gbowee người Liberia và nhà hoạt động nhân quyền và phụ nữ Tawakkul Karman ở Yemen. 10 triệu krona (30,2 tỉ đồng VN) tiền thưởng sẽ được chia đều cho ba người.

Ba nhân vật nữ được tôn vinh vì đã đấu tranh bất bạo động để bảo vệ phụ nữ và quyền tham gia đầy đủ của phụ nữ trong công cuộc kiến tạo hòa bình.

Ủy ban Nobel nhận xét không thể có dân chủ và hòa bình bền vững trên thế giới trừ phi phụ nữ có cơ hội bình đẳng với nam giới trong quá trình phát triển ở mọi cấp độ xã hội.

Ủy ban Nobel hy vọng giải thưởng trao cho ba nhân vật nữ nêu trên sẽ góp phần chấm dứt tình trạng áp bức phụ nữ trên thế giới.

Ellen Johnson Sirleaf 72 tuổi là tổng thống nữ đầu tiên được bầu cử dân chủ ở châu Phi. Sau khi nhậm chức năm 2006, bà đã có nhiều đóng góp trong công cuộc duy trì hòa bình ở Liberia, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển và củng cố vai trò phụ nữ.

Bà đã lấy bằng thạc sĩ ngành quản trị công ở Đại học Harvard (Mỹ) năm 1971 và từng làm việc ở Ngân hàng Thế giới và LHQ.

Bà đang vận động tranh cử với 15 ứng cử viên khác trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 11-10 tới. Với những đóng góp to lớn cho Liberia sau nội chiến, bà được kỳ vọng sẽ tái đắc cử.

Trả lời phỏng vấn gần đây, bà tuyên bố không mong muốn châu Phi quay trở lại thời kỳ nam giới thống trị trong bộ máy lãnh đạo và dự báo sẽ có nhiều phụ nữ cầm quyền ở châu Phi trong thời gian tới.

Leymah Gbowee 39 tuổi, hiện giữ chức Chủ tịch Phong trào phụ nữ vì hòa bình ở Liberia. Năm 2002, bà bắt đầu tổ chức cho phụ nữ biểu tình bất bạo động và cầu nguyện hòa bình.

Bà đã tập hợp được lực lượng phụ nữ từ các nhóm tôn giáo và sắc tộc khác nhau, góp phần chấm dứt nội chiến ở Liberia năm 2003. Bà cũng đã có công đấu tranh bảo đảm quyền bầu cử của phụ nữ.

Nữ Nhà báo Tawakul Karman 32 tuổi, thành lập tổ chức Nhà báo nữ không xiềng xích vào năm 2005 để đấu tranh trả tự do cho tù chính trị và đòi quyền lợi cho nhà báo nữ ở Yemen.

Khi phong trào biểu tình phản đối Tổng thống Abdullah Saleh manh nha xuất hiện vào tháng 1, bà đã tham gia lãnh đạo biểu tình. Bà đã nhiều lần bị đe dọa thủ tiêu. Ngày 27-11, bà bị bắt giữ nhưng sau đó được trả tự do nhờ áp lực của những người biểu tình.

Những người biểu tình gọi bà là “người đàn bà thép”, “bà mẹ của cuộc cách mạng”, “tinh thần của cách mạng Yemen”. Bà là người phụ nữ Ả Rập đầu tiên đoạt giải Nobel Hòa bình.

 

Hai cuộc nội chiến đẫm máu ở Liberia (Tây Phi) trong giai đoạn năm 1989-1996 và năm 1999-2003 đã làm 200.000 người thiệt mạng. Năm 1989, cựu bộ trưởng Charles Taylor nổi dậy. Tổng thống Samuel Doe bị lật đổ và bị ám sát năm 1990. Lực lượng nổi dậy chia rẽ đánh nhau. Năm 1995, các bên ngừng bắn. Tổng tuyển cử được tổ chức. Năm 1997, Charles Taylor làm tổng thống. Hai năm sau, tổ chức Liên minh vì hòa giải và dân chủ Liberia nổi dậy với Guinea hậu thuẫn. Tháng 7-2003, phe nổi dậy tuyên bố ngừng bắn. Tổng thống Charles Taylor từ chức. Sau đó là thời kỳ quá độ chính trị dưới sự kiểm soát của LHQ. Ngày 23-11-2005, bà Ellen Johnson Sirleaf đắc cử tổng thống.

 

Pháp luật TP HCM

;
.
.
.
.
.