.

Mỹ, CHDCND Triều Tiên bàn về hạt nhân

.

Cả Mỹ lẫn CHDCND Triều Tiên đều muốn nối lại đàm phán 6 bên nhưng vẫn còn những bất đồng chưa được giải quyết.

 

Mô tả ảnh.
Glyn Davies, đại sứ Mỹ tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), cũng có mặt tại Geneva.  Ảnh: AP

Các nhà ngoại giao Mỹ và CHDCND Triều Tiên ngày 24-10 đối thoại về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng tại Geneva (Thụy Sĩ). Đây là cuộc gặp gỡ trực tiếp lần thứ hai giữa Washington và Bình Nhưỡng trong gần 3 tháng qua, sau lần hội đàm tại New York vào cuối tháng 7.

 

Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là đặc sứ hàng đầu về vấn đề Bình Nhưỡng Stephen Bosworth, trong khi phái đoàn CHDCND Triều Tiên do Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Kim Kye Gwan dẫn đầu. Cả hai bên đều nói rằng muốn nối lại đàm phán 6 bên, với sự tham gia của CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Mỹ. Bình Nhưỡng đề nghị tái khởi động đàm phán vô điều kiện, nhưng Mỹ muốn quốc gia phía Bắc trên bán đảo Triều Tiên phải thúc đẩy quan hệ với Hàn Quốc, đồng thời cam kết giải giáp hạt nhân - thực hiện thỏa thuận năm 2005 - trước khi ngồi vào bàn đối thoại. Seoul cũng chia sẻ quan điểm của Washington khi Tổng thống Lee Myung-bak hội đàm cùng Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng vào tháng 10 này.

Giới phân tích không đặt nhiều kỳ vọng vào đàm phán tại Geneva. Tuy nhiên, họ cho rằng, việc Mỹ và CHDCND Triều Tiên chịu đối thoại trong lúc những bất đồng vẫn chưa được giải quyết là dấu hiệu cho thấy quan hệ đã được cải thiện kể từ năm 2009, khi Bình Nhưỡng thử vũ khí hạt nhân lần thứ hai và năm 2010, khi nước này nã pháo lên đảo của Hàn Quốc. Theo Hãng AP, các cuộc thương thảo kéo dài trong 2 ngày (24 và 25-10) có thể đề cập đến các vấn đề như viện trợ lương thực cho CHDCND Triều Tiên, đoàn tụ các gia đình trên bán đảo Triều Tiên ly tán, tìm kiếm hài cốt binh sĩ Mỹ mất tích trong cuộc chiến tranh năm 1950-1953.

Trong khi đó, Trung Quốc muốn CHDCND Triều Tiên có các cuộc đối thoại sâu sắc với Mỹ và Hàn Quốc, nhằm tái khởi động đàm phán 6 bên. Đang ở thăm CHDCND Triều Tiên, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định với Thủ tướng nước chủ nhà Choe Yong-rim rằng, Bắc Kinh sẽ là đồng minh vững chắc của Bình Nhưỡng. Ông Lý Khắc Cường còn nhấn mạnh: CHDCND Triều Tiên nên sớm tìm kiếm kết quả từ việc đối thoại và tái khởi động đàm phán 6 bên để phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Năm ngoái, CHDCND Triều Tiên đã khuấy động căng thẳng khu vực. Song gần đây, nước này đã tỏ rõ thiện chí xoa dịu khủng hoảng với Washington và Seoul. Nhóm đàm phán 6 bên đã đạt được thỏa thuận vào tháng 9-2005, trong đó Bình Nhưỡng đồng ý ngừng chương trình hạt nhân để đổi lấy các ưu đãi về kinh tế và ngoại giao. Tuy nhiên, tháng 4-2009, CHDCND Triều Tiên rút khỏi đàm phán sau khi bị Liên Hợp Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt do hành động thử tên lửa tầm xa. Một tháng sau đó, Bình Nhưỡng tiếp tục thử hạt nhân lần thứ hai, tạo ra mối quan ngại đối với quốc tế.

Trung Quốc - đồng minh thân thiết nhất của CHDCND Triều Tiên - tuy đứng về phía nước châu Á này nhưng vẫn nỗ lực xây dựng quan hệ với Hàn Quốc, đối tác thương mại lớn của Bắc Kinh, và làm sống lại các cuộc đối thoại về giải giáp hạt nhân của quốc gia phía Bắc trên bán đảo Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nói rằng, Bắc Kinh hy vọng đàm phán tại Thụy Sĩ lần này sẽ giúp thúc đẩy niềm tin và hiểu biết lẫn nhau.

Hãng Reuters dẫn lời chuyên gia Bruce Klingner của Tổ chức Heritage tại Washington cho rằng, Mỹ và Hàn Quốc dường như sẵn sàng cho các cuộc gặp để bàn về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Song, ông chưa thể khẳng định đó là sự thay đổi chiến lược lớn. Cả Klingner lẫn các nhà quan sát khác của Mỹ đều không hy vọng về sự trở lại của đàm phán 6 bên bởi Bình Nhưỡng đã thực hiện 2 vụ thử hạt nhân và có những tiến bộ trong việc phát triển tên lửa tầm xa.    

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.