.

"Nữ thần Tự do" 125 tuổi

.

Tượng Nữ thần Tự do, một trong những biểu tượng nổi tiếng của New York đã tròn 125 tuổi hôm 28-10.

Mô tả ảnh.
Pháo hoa mừng tượng Nữ thần Tự do 125 tuổi. Ảnh: GETTY

Tại lễ mừng sinh nhật thứ 125 tượng Nữ thần Tự do, sau phần trình bày Quốc ca Mỹ và Pháp, nữ diễn viên Sigourney Weaver đọc bài thơ The New Colossus của Emma Lazarus (1849-1887) được khắc dưới chân tượng. Tiếp đó là màn chào mừng của các tàu thuyền qua lại và bắn pháo hoa.

Trong ngày này, 125 người dân nhập cư từ hơn 40 nước chính thức trở thành công dân Mỹ với buổi lễ được tổ chức dưới chân tượng.

Bức tượng được kiến trúc sư Pháp Frederic Bartholdi thiết kế sau khi được truyền cảm hứng từ câu nói của giáo sư luật kiêm chính trị gia Pháp Édouard René de Laboulaye hồi năm 1865, rằng bất cứ công trình nào tôn vinh nền độc lập của Mỹ cũng nên nhận được sự ủng hộ của cả người dân Pháp và Mỹ. Là một tác phẩm điêu khắc theo phong cách tân cổ điển với kích thước cực lớn (cao 93m), đặt trên đảo Tự do tại cảng New York, bức tượng không chỉ là một biểu tượng về khát vọng tự do và dân chủ ở Mỹ, mà còn ở khắp toàn cầu.

Tuy nhiên, ban đầu, tượng Nữ thần Tự do lại không nhận được sự ủng hộ khi nó được coi là món quà tình bạn mà người dân Pháp gửi cho người dân Mỹ. Vì vậy, nước Mỹ đã gặp khó khăn khi quyên góp tiền để làm bệ đặt tượng. Năm 1885, công trình làm bệ tượng suýt phải dừng lại vì thiếu kinh phí. Trước thực trạng đó nhà xuất bản Joseph Pulitzer đã tổ chức chiến dịch quyên góp quỹ. Kết quả là hơn 120.000 người đã ủng hộ.

Ngày 28/10/1886, bức tượng đã được xếp trong các thùng lớn và vận chuyển bằng tàu biển tới Mỹ. Thành phố New York đã tổ chức cuộc diễu hành với hoa giấy tung xuống đường phố như tuyết rơi. Buổi lễ khánh thành do Tổng thống Mỹ Grover Cleveland chủ trì.

Trong thế kỷ 19, cuộc cách mạng công nghiệp bùng nổ và cùng với đó là 2 làn sóng nhập cư lớn tới Mỹ, do vậy, tượng Nữ thần Tự do đã trở thành một biểu tượng của họ, khi trên bức tượng có dòng chữ: “Chúng ta đã tới Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, nơi chúng ta hy vọng xây dựng được một cuộc sống mới, tốt đẹp hơn”.

Trở thành điểm du lịch hấp dẫn

Tuy nhiên, giờ đây, tượng Nữ thần Tự do thường được xem là một điểm du lịch hấp dẫn ở New York, chứ không còn là một biểu tượng quốc gia.

Kelley Martin, người từ Iowa chuyển tới New York sống, cho biết bức tượng này gợi cô nhớ đến ông bà mình, những người Italia nhập cư. “Đối với tôi, đây chỉ là một công trình, nhưng với ông bà tôi thì đây thực sự là biểu tượng của một cuộc sống mới”.

Sau lễ sinh nhật này, bắt đầu từ ngày 29/10, không gian bên trong tượng Nữ thần Tự do sẽ bị đóng cửa 1 năm để nâng cấp và tu bổ móng và bệ tượng, trong đó còn lắp đặt cả các cầu thang xoắn ốc và thang máy mới đi lên chiếc mũ của bức tượng. Bên cạnh đó, các thiết bị an toàn cũng được lắp đặt. Dự án này ước tính sẽ tiêu tốn hơn 27 triệu USD.

Dầu vậy, du khách vẫn có thể ngắm bức tượng từ đất liền và biển. Quang cảnh bên ngoài tượng không bị ảnh hưởng trong quá trình tu bổ. Đảo Tự do vẫn mở cửa đón khách du lịch. Có điều thú vị là sau đợt tu bổ này, du khách có thể được ngắm những khung cảnh lạ lùng của đảo Tự do và cảng New York nhờ 5 webcam được lắp trên đuốc của bức tượng.

Bức tượng từng phải đóng cửa để tu bổ lớn vào năm 1938. Đến đầu những năm 1980, tượng lại trải qua một đợt tu bổ nữa do có dấu hiệu hư hại. Trong thời gian tu sửa từ năm 1984 đến năm 1986, ngọn đuốc và phần lớn cấu trúc bên trong cũng được thay thế. Sau các vụ tấn công khủng bố ở New York ngày 11/9/2001, du khách không được phép vào bên trong bức tượng. Nhưng 2 năm sau đó, nơi này đã được mở cửa lại nhưng giới hạn chặt chẽ mỗi đợt khách lên tham quan.

TT&VH

;
.
.
.
.
.