.

Thái Lan lo thiệt hại kinh tế vì lũ

.
Giới chức và các nhà kinh tế Thái Lan ước tính tăng trưởng sụt giảm trong năm nay. Việc tái thiết và sửa chữa sau lũ có thể tiêu tốn hàng tỷ USD.

Mô tả ảnh.
Người dân Bangkok sơ tán giữa biển nước. Ảnh: Reuters
 
Chính phủ Thái Lan cho rằng, thiệt hại do trận lũ nghiêm trọng nhất trong lịch sử 50 năm của quốc gia Đông Nam Á này chiếm từ 1-1,7% GDP. Song, thiệt hại về kinh tế có thể tăng cao hơn khi Bangkok, khu vực chiếm 41% GDP, bị nước lũ tấn công. Theo Bộ trưởng Tài chính Thirachai Phuvanatnaranubala, kinh tế lùi lại mức 1,1% trong quý 4 và tăng trưởng cả năm nay chỉ hơn 2%, thấp hơn mức 3,7% so với năm ngoái.
 
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Thái Lan Prasarn Trairatvorakul ước tính kinh tế có thể tăng gần 3%, so với mức 4,1% theo dự báo trước đó của Ngân hàng Trung ương. Lũ lụt đã khiến 7 khu công nghiệp lớn ở miền Bắc Bangkok phải đóng cửa, ảnh hưởng đến gần 9.900 nhà máy và làm mất 660.000 việc làm. Hàng hóa công nghiệp cũng bị ảnh hưởng, nhất là các sản phẩm ô-tô và điện tử chiếm 65% tổng số hàng, còn sản phẩm nông nghiệp chiếm từ 17-19%. Bộ Thương mại cho hay, xuất khẩu hằng năm tương đương hơn 60% GDP nay giảm còn 13% trong quý 4 và có thể chỉ tăng gần 15% trong năm tới. 

 Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng 1,55 triệu hecta đất nông nghiệp đã bị ngập nước. Chính phủ ước tính vụ mùa sẽ giảm từ 25 triệu tấn còn 21 triệu tấn. Theo Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan Korbsook Iamsuri, lũ lụt đã làm hỏng 3,5 triệu tấn lúa, tức 2 triệu tấn gạo, và làm trì hoãn xuất khẩu các lô hàng gạo. Theo đó, xuất khẩu gạo trong năm 2012 có thể chỉ tương đương 30% của năm nay, tức từ 7-7,5 triệu tấn.

Ngành Du lịch cũng quan ngại về những thiệt hại khi lượng khách dự báo chỉ đạt từ 500.000 - 1 triệu lượt người so với mục tiêu 19 triệu khách trong năm nay. Giới quan sát cho rằng, “khủng hoảng quốc gia” lần này là thách thức lớn nhất của Thủ tướng Yingluck Shinawatra kể từ khi nắm quyền. Vào đầu tháng 10, nội các của bà Yingluck đã thống nhất cắt giảm 10% chi tiêu Nhà nước (khoảng 80 tỷ baht) trong năm tài khóa kể từ ngày 1-10. Đồng thời, gói ngân sách trị giá 325 tỷ baht (10,6 tỷ USD) cũng được phê chuẩn để hỗ trợ các nạn nhân lũ.

Ngày 27-10, người dân Bangkok đã kéo nhau chạy khỏi thủ đô bằng xe buýt, tàu hỏa và máy bay, sau khi các nhà chức trách cảnh báo sẽ bị ngập lớn, đồng thời kêu gọi kỳ nghỉ đặc biệt trong 5 ngày để mọi người sơ tán. Thành phố có 12 triệu dân này đang trong tình trạng nguy hiểm khi nước từ phía Bắc kết hợp với thủy triều cao trên sông Chao Phraya. Lệnh sơ tán chỉ được ban bố đối với 3/50 khu vực ở Bangkok. Song, Chính phủ nói rằng, toàn bộ thành phố có thể bị ngập trong những ngày đến nên nhiều người dân đã tìm cách chạy lũ. Tuyến đường chính nối từ Bangkok đến khu vực miền Nam không bị lũ đã tắc nghẽn. Nhiều người hướng về thị trấn biển Pattaya nhưng rất khó tìm ra phòng khách sạn hoặc nhà cho thuê. Đài truyền hình phát sóng những hình ảnh đám đông chen chúc làm thủ tục tại sân bay chính Suvarnabhumi ở Bangkok. Sân bay này vẫn chưa bị ngập nước trong khi sân bay lớn thứ hai Don Muang đã phải đóng cửa từ đêm 25-10.

Thị trưởng Bangkok Sukhumbhand Paribatra cho biết, nước đã ngập đến 90% khu vực Don Muang và khu Bang Phlad ở phía Tây được đặt trong tình trạng nguy hiểm, 14 khu vực khác của Bangkok cũng bị nước lũ đe dọa.

Sau 3 tháng đối mặt với lũ, đến nay Thái Lan đã có 373 người thiệt mạng.

BÌNH YÊN
;
.
.
.
.
.