.
Thế giới tuần qua

Khởi đầu trong gian khó

.
Cái chết của Đại tá Muammar Gaddafi vẫn còn gây nhiều tranh cãi nhưng đã khép lại cuộc nội chiến kéo dài 8 tháng - theo tuyên bố của Chính phủ lâm thời Libya vào ngày 23-10, đồng thời mở ra trang mới cho đất nước Bắc Phi này với cuộc bầu cử đầu tiên vào năm tới.

Mô tả ảnh.
Người dân thành phố Sirte hoan nghênh sự tiếp quản của Hội đồng chuyển tiếp dân tộc Libya.
Ảnh: THX
 
Chỉ có 6 triệu dân với nguồn dầu khí khổng lồ, Libya có tiềm năng trở thành một quốc gia thịnh vượng. Tuy nhiên, sự đối đầu ở khu vực và bộ tộc dưới thời Tổng thống Gaddafi khiến Libya ngủ yên trên khối tài nguyên được tạo hóa ban tặng. Vì vậy, cái chết của ông Gaddafi chỉ có thể ngăn chặn làn sóng bạo lực chống đối Chính phủ mới, chứ không thể hàn gắn một xã hội vốn bị chia rẽ.

Hàng chục ngàn người tập trung tại Quảng trường trung tâm ở thành phố Benghazi để nghe Chủ tịch Hội đồng chuyển tiếp dân tộc (NTC) Mustafa Abdel Jalil tuyên bố “ngày giải phóng của Libya”. Theo Chính phủ lâm thời, thi thể của Đại tá Gaddafi đặt ở thành phố cảng Misrata sẽ được chuyển giao cho đại diện gia đình và bộ lạc của ông để an táng. Song, trong khi phương Tây hoan hỉ với cái chết của ông Gaddafi, Nga và Tổ chức Ân xá quốc tế đều đặt ra nhiều nghi vấn trên phương diện luật pháp quốc tế. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, đoàn xe chở ông Gaddafi không đe dọa đến dân thường khi bị NATO tấn công. Tổ chức Ân xá quốc tế yêu cầu điều tra độc lập và công bằng về vụ ông Gaddafi bị giết. Còn Venezuela gọi việc sát hại cựu Tổng thống Libya là “hành động man rợ”.

Quá khứ của Libya với việc ông Gaddafi nắm quyền suốt 42 năm bị phương Tây cho là ảm đạm. Nhưng tương lai thời hậu Gaddafi cũng chưa hề ánh lên những điểm sáng. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nhận định: “Con đường phía trước của Libya và người dân sẽ đầy khó khăn, thách thức”. Quyền Thủ tướng Mahmoud Jibril cho rằng, Libya cần sự quyết tâm lớn từ các nhà lãnh đạo lâm thời cho đến 6 triệu người dân vốn đã mệt mỏi vì chiến tranh. Theo ông Jibril, tương lai của Libya phụ thuộc phần lớn vào người dân của ông, vào sự phân biệt của họ giữa quá khứ và tương lai. Hòa giải dân tộc là nhiệm vụ đầu tiên với Chính phủ lâm thời, nhưng xem ra nhiệm vụ này sẽ không dễ dàng ở một đất nước có quá nhiều thành phần chính trị khác nhau. Ngoài ra, thách thức của Chính phủ mới còn là việc đối xử với lực lượng trung thành ông Gaddafi và tiến hành bầu cử. NTC sẽ có 30 ngày để hình thành Chính phủ chuyển tiếp và có 240 ngày để tổ chức bầu cử Quốc hội, sau đó bầu Thủ tướng.

Cái chết của ông Gaddafi cũng đánh dấu kết thúc sứ mệnh mà NATO gọi là “bảo vệ thường dân Libya” vào ngày 31-10 tới. Tổng thống Barack Obama cho rằng, cái chết của người nắm quyền suốt 42 năm cho thấy vai trò của Mỹ trong việc bảo vệ người dân Libya. Tuy nhiên, thế giới đang quan ngại một tiền lệ sẽ được áp đặt với đất nước Bắc Phi này, đó là sự can thiệp của phương Tây - động thái vẫn thường có với các nước khác sau chiến tranh như Iraq, Afghanistan. Đồng thời, kịch bản Libya tương tự có xảy ra với Syria và Yemen cũng như có lan khắp thế giới Arab nữa hay không?

Kết thúc một giai đoạn để mở ra một thời kỳ mới với khó khăn chồng chất nên tương lai của Libya vẫn là dấu hỏi. Quyền Thủ tướng Jibril cho biết, Libya hiện sản xuất khoảng 300.000 thùng dầu/ngày, tăng rõ rệt từ con số 0 trong suốt thời gian xảy ra khủng hoảng. Ông khẳng định trong vòng 15 tháng, Libya sẽ trở lại sản lượng thời trước chiến tranh 1,6 triệu thùng dầu/ngày.

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.