.
Thế giới tuần qua

Syria và “động đất” Trung Đông

.
Cơn “động đất” trên khắp Trung Đông có thể xảy ra nếu các cường quốc phương Tây can thiệp vào Syria. Cảnh báo của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trên Tạp chí Sunday Telegraph ngày 30-10 như tuyên bố đanh thép trước nguy cơ nước ngoài “thọc tay” vào nội bộ của quốc gia này.

Mô tả ảnh.
Những người biểu tình chống Chính phủ Syria trên đường phố Damascus. Ảnh: AFP
 
Chuyện Mỹ và phương Tây “thọc tay” vào tình hình chính trị của một quốc gia không phải là chuyện hiếm thấy, nhất là với những gì vừa xảy ra tại Libya, trước đó là Ai Cập, Tunisia; và nhất là khi Syria được cho là sẽ theo “gót chân Asin” của Libya. Kịch bản Libya - cao điểm của phong trào nổi dậy Mùa Xuân Arab - có xảy ra với Syria hay không thì vẫn chưa rõ, mặc dù ông Assad đang đứng trước hàng loạt sức ép của Liên Hợp Quốc (LHQ), các Chính phủ phương Tây và Liên đoàn Arab. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy phương Tây sẽ lặp lại các hoạt động ở Libya đối với Syria, nhưng những người biểu tình chống ông Assad đang gia tăng kêu gọi áp đặt “vùng cấm bay” cho Damascus.

Ông Assad bị quy trách nhiệm xung quanh cái chết của hơn 3.000 người ở Syria trong suốt 7 tháng diễn ra cuộc nổi dậy, riêng ngày 28, 29-9 có 50 thường dân thiệt mạng ở thành phố Homs và tỉnh miền Bắc Idlib. Phương Tây liên tục kêu gọi ông Assad từ chức, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt Syria đối với xuất khẩu dầu mỏ và các doanh nghiệp Nhà nước. Ủy ban các Bộ Liên đoàn Arab về vấn đề khủng hoảng Syria cũng thúc giục Damascus thực hiện các giải pháp cần thiết để bảo vệ dân thường.

Tổng thống Assad thừa nhận rằng, lực lượng an ninh của ông đã phạm “nhiều sai lầm” kể từ khi cuộc nổi dậy bùng phát. Song, nhà lãnh đạo Syria khẳng định lực lượng này hiện chỉ nhằm vào các mục tiêu khủng bố. Và như vậy, không có lý do gì để LHQ, phương Tây cùng Liên đoàn Arab lật đổ ông như đã làm với Ai Cập, Tunisia, Libya. Và như vậy, cũng không có lý do gì để bên ngoài can thiệp vào nội bộ Syria.

“Bất kỳ vấn đề nào ở Syria cũng sẽ làm bùng cháy cả khu vực. Nếu có kế hoạch chia rẽ Syria thì cũng sẽ chia rẽ cả khu vực”, ông Assad nhấn mạnh. Ông cho rằng, Syria khác biệt với Ai Cập, Tunisia, Yemen về lịch sử và cả về chính trị. Cơn “động đất” trên khắp Trung Đông mà ông Assad ám chỉ chính là khả năng Syria sẽ trở thành một Afghanistan thứ hai. “Một Afghanistan khác” hay “hàng chục Afghanistan” chắc chắn không phải là điều mà Mỹ và phương Tây mong muốn bởi chỉ một Afghanistan trên thực tế đã làm Nhà Trắng hao tiền tốn của và đau đầu không ít.  

“Syria hiện là trung tâm của khu vực. Nước này nằm trên đường đứt gãy. Nếu các ngài đùa với mặt đất, các ngài sẽ gây ra động đất”. Tổng thống Assad với những chủ trương ôn hòa trên trường quốc tế có cơ sở khi đưa ra những tuyên bố hùng hồn như vậy. Ưu thế rõ nhất của Syria là không quá phụ thuộc vào phương Tây. Đồng thời, phương Tây không thể xem nhẹ vai trò của Damascus tại khu vực. Nếu khủng hoảng kéo dài với sự can thiệp từ bên ngoài, “động đất” theo cảnh báo của Tổng thống Assad xảy ra, thì các nước trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Iraq, Jordan cũng sẽ không tránh khỏi những cơn “dư chấn”.

Nhóm cấp Bộ của Liên đoàn Arab ngày 30-10 đã gặp gỡ các nhà chức trách quốc gia Trung Đông này tại Qatar để thúc đẩy đối thoại giữa Chính phủ với phe đối lập. Trong lúc này, sự ổn định cho Syria, quốc gia có người Hồi giáo Sunni chiếm đa số trong 20 triệu người, là cần thiết. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Syria vẫn sẽ không theo “vết xe đổ” khi Nga và Trung Quốc vẫn phủ quyết dự thảo Nghị quyết của LHQ chống Damascus.

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.