(ĐNĐT) - Ngày 27-11, tại thủ đô Cairo của Ai Cập, các bộ trưởng ngoại giao của 19 quốc gia Liên đoàn Ả Rập đã bỏ phiếu trừng phạt Syria, bao gồm các biện pháp phong tỏa tài sản, cấm vận đầu tư và cấm các quan chức Syria đi lại trong khu vực.
Liên đoàn Ả Rập đã thông qua các biện pháp trừng phạt Syria ngày 27-11-2011 trong một hội nghị tại thủ đô Cairo của Ai Cập. Ảnh: RiaNovosti |
Iraq bỏ phiếu trắng và Lebanon bỏ phiếu chống, các quan chức cho biết.
Bộ trưởng Ngoại giao Qatar, Hamad bin Jassim Al Thani cho biết: “Tất cả các bước mà chúng tôi đang tiến hành là nhằm tránh một cuộc can thiệp nước ngoài vào Syria. Chúng tôi chưa biết có thành công hay không. Chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ làm được. Đó là lý do chúng tôi cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng này trong nội bộ khối Ả Rập. Chúng tôi không chỉ làm bổn phận của các quốc gia Ả Rập, mà còn là bổn phận của những con người nhằm ngăn chặn đổ máu tại Syria".
Trước đó, ông Al Thani cho biết, Liên đoàn Ả Rập không muốn tái diễn một Libya khác, trong đó, việc ra đời nghị quyết của LHQ đã dẫn đến các cuộc không kích của NATO đối với Libya.
Một quan chức cấp cao của Liên đoàn Ả Rập giấu tên cho biết, các bộ trưởng đã đồng ý ngừng giao dịch với Ngân hàng trung ương Syria, dừng các nguồn quỹ của Liên đoàn Ả Rập cho các dự án tại Syria, cấm các quan chức cấp cao Syria viếng thăm các quốc gia Ả Rập và phong tỏa tài sản của chính phủ Syria.
Các nước Ả Rập còn kêu gọi Ngân hàng trung ương Ả Rập giám sát các vụ chuyển tiền đến Syria, ngoại trừ tiền gửi từ người Syria ở nước ngoài.
Liên đoàn Ả Rập cho biết, một ủy ban sẽ soạn thảo chi tiết các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Iraq và Lebanon có tuân thủ các biện pháp trừng phạt này hay không.
Trong khi đó, phản ứng với quyết định của Liên đoàn Ả Rập, truyền hình nhà nước Syria cho rằng động thái của Liên đoàn là “thiếu tính pháp lý”.
Trước cuộc bỏ phiếu ngày 27-11, hãng tin nhà nước Syria (SANA) đã gọi động thái này là “một tiến trình chưa có tiền lệ, trái ngược với các quy tắc hợp tác kinh tế và thương mại giữa các quốc gia Ả Rập và nhằm vào nhân dân Syria”.
Ngày 25-11, Damacus đã không đáp ứng hạn cuối là cho phép các quan sát viên của Liên đoàn Ả Rập vào Syria để giám sát phản ứng của chính phủ với các cuộc nổi dậy của dân chúng.
Hiện 27 nước thành viên EU đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Damacus. Mỹ cũng đã trừng phạt Syria. Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bỏ một dự án phối hợp khai thác dầu mỏ với Syria.