Các Bộ trưởng Tài chính của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) kêu gọi hành động kiên quyết hơn khi chèo lái nền kinh tế trước khủng hoảng nợ công ở châu Âu.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Cannes (Pháp). Hai nhà lãnh đạo này cũng sẽ gặp gỡ tại Hội nghị APEC ở Hawaii. Ảnh: Reuters |
Khủng hoảng nợ công của châu Âu được cho là sẽ phủ bóng lên Hội nghị thượng đỉnh APEC vào cuối tuần này ở Hawaii (Mỹ). Đối thoại của các Bộ trưởng Tài chính và Ngoại trưởng APEC ngày 10-11 mở đường cho cuộc gặp gỡ của các nhà lãnh đạo 21 thành viên thuộc một trong những khu vực đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh APEC với nỗ lực xây dựng một khu thương mại tự do mới và tiến tới một hiệp ước công nghệ xanh - những bước đi có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Hãng AP cho biết, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ gửi thông điệp đến người dân Mỹ rằng, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực quan trọng và đóng vai trò then chốt giúp Mỹ phát triển kinh tế, cụ thể hỗ trợ Washington tăng gấp đôi xuất khẩu vào năm 2015 và tạo ra nhiều việc làm. Song, chương trình nghị sự tại Hawaii lại bị đè nặng bởi khủng hoảng ở khu vực đồng tiền chung châu Âu khi Hy Lạp và Ý đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã chính thức tuyên bố từ chức, còn người đồng cấp Ý Silvio Berlusconi cũng sẽ rời nhiệm sở trong một vài ngày tới.
Hãng Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các Bộ trưởng Tài chính APEC bày tỏ quan ngại về khủng hoảng nợ của châu Âu và thống nhất về sự cần thiết củng cố nền kinh tế của mỗi nước trong khu vực để chống lại hiệu ứng domino từ “lục địa già cỗi”. Bộ trưởng Tài chính Úc Wayne Swan thúc giục sự đoàn kết giữa các thành viên APEC và nói rằng, mỗi nền kinh tế trong khu vực này đều cảm thấy “cơn gió lạnh” của khủng hoảng kinh tế châu Âu và Mỹ. 9 quốc gia, bao gồm Việt Nam, Mỹ, Úc, New Zealand, Malaysia, Singapore, Brunei, Chile và Peru dự kiến ngày 12-11 sẽ đạt được kế hoạch mở rộng về Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhật Bản có thể góp tên trong Hiệp định này.
Những người đứng đầu ngành Tài chính APEC cũng kỳ vọng tiếp tục gây áp lực với Trung Quốc trong vấn đề tiền tệ trong khi Mỹ vẫn thúc giục Bắc Kinh định giá cao đồng Nhân dân tệ để tạo công bằng trong cạnh tranh thương mại. Vấn đề này vốn gây căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ.
Với dân số khoảng 3 tỷ người, chiếm 54% sản lượng toàn cầu, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang nổi lên, thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gần đây đã ca ngợi những nỗ lực của Tổng thống Obama trong việc tập trung vào châu Á. Bà Clinton thậm chí mô tả đây là “thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ”. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campell phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước đó cũng nhận định: Chính sách đối ngoại của Mỹ cần phải được dịch chuyển từ Trung Đông sang châu Á.
Riêng với Tổng thống Obama, việc hiện diện tại Hội nghị thượng đỉnh APEC hằng năm là cơ hội để tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực kinh tế năng động, nơi mà Trung Quốc đang nổi lên và được xem là có những đe dọa về cạnh tranh. Ông Obama cũng dự kiến gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vào cuối tuần này, cũng như hội đàm với Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại đảo Bali của Indonesia tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á vào ngày 19-11 tới.
PHÚC NGUYÊN