.

“Canh bạc” của ông Papandreou

.

Trưng cầu dân ý ở Hy Lạp về gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) là bước đi “được ăn cả, ngã về không” của Thủ tướng George Papandreou.

 

Mô tả ảnh.
Cảnh sát chống bạo động đã được triển khai để đối phó với các cuộc biểu tình chống “thắt lưng buộc bụng” ở Athens. Ảnh: Getty Images

 

Costas Panagopoulos, nhà phân tích tại Công ty thăm dò dư luận Alco, nói rằng nếu người dân Hy Lạp nói “Không” trong cuộc trưng cầu dân ý, Thủ tướng Papandreou sẽ phải từ chức và tiến hành bầu cử sớm. Theo nhiều nhà phân tích khác, việc trưng cầu có thể làm “trật bánh” thỏa thuận lớn về khủng hoảng nợ châu Âu.  

Thủ tướng Papandreou cho biết, cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức trong vòng vài tuần tới sau khi đạt được các thỏa thuận chi tiết với EU và các chủ nợ. Song, ông chưa công bố ngày cụ thể của sự kiện này. Phát biểu với kênh truyền hình Antenna TV, Bộ trưởng Tài chính Evangelos Venizelos tiết lộ rằng, cuộc trưng cầu có thể diễn ra vào đầu năm tới, thỏa thuận mới sẽ được đệ trình lên Quốc hội và sau đó lấy ý kiến của cử tri Hy Lạp.

Các lãnh đạo EU trước đó đã đồng ý gói giải cứu trị giá 130 tỷ euro (179 tỷ USD) và xóa 50% nợ cho Hy Lạp. Theo đó, nợ của Hy Lạp sẽ được giảm xuống 120% GDP vào năm 2020 từ mức 180% GDP hiện nay. Đổi lại, Hy Lạp phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm ngân sách theo yêu cầu của các chủ nợ. Giới phân tích cũng cho rằng, việc tổ chức trưng cầu dân ý sẽ gặp trở ngại. Bởi lẽ, thăm dò dư luận ở Hy Lạp cho thấy, có đến 60% người dân không ủng hộ thỏa thuận “thắt lưng buộc bụng”, giải pháp vốn dẫn đến những cuộc biểu tình trong suốt nhiều tháng qua tại đất nước này, và 60% bỏ phiếu chống sẽ là một thách thức lớn. Hãng Reuters nhận định: Ông Papandreou đã đe dọa khu vực đồng euro với nguy cơ khủng hoảng mới khi đưa ra tuyên bố gây sốc về việc trưng cầu dân ý. Nhà lãnh đạo này còn được cho là đang đặt tương lai đất nước vào “canh bạc” đầy rủi ro.

Theo nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Christopher Pissarides, rất khó tiên đoán điều gì sẽ xảy đến với Hy Lạp nếu cử tri bác bỏ gói “thắt lưng buộc bụng”. Ông Pissarides nhấn mạnh: Việc nói “Không” với thỏa thuận sẽ là điều tệ hại không những cho EU, cho cả khu vực đồng euro, mà đặc biệt còn cho Hy Lạp.

Các đảng đối lập cáo buộc Chính phủ Athens đã công bố trưng cầu dân ý nhằm tránh phải kêu gọi bầu cử sớm và tìm lối thoát cho đảng của mình. “Thủ tướng đang nỗ lực mua thời gian. Chúng tôi muốn những giải pháp rõ ràng. Và một giải pháp rõ ràng hiển nhiên là bầu cử”, nghị sĩ Costas Gioulekas thuộc trung hữu Đảng Dân chủ mới nói. Cựu Ngoại trưởng Dora Bakoyanni và là lãnh đạo Đảng Liên minh Dân chủ trung tả nhỏ nhấn mạnh không muốn ông Papandreou có quyết định nguy hiểm như vậy. “Tất cả báo chí quốc tế sẽ nói rằng, Hy Lạp tự đặt thỏa thuận của EU vào sự rủi ro”, Bakoyanni chỉ trích. Trong khi đó, một lãnh đạo trong liên minh trung hữu của Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ sự bất ngờ và tức giận với công bố của Chính phủ Hy Lạp.

Tuy nhiên, Thủ tướng Papandreou bày tỏ tin tưởng vào người dân của ông. Người đứng đầu Chính phủ Hy Lạp nói rằng, cử tri sẽ tự quyết định số phận của đất nước. Ông Papandreou còn cho hay sẽ thăm dò niềm tin của cử tri để bảo đảm sự ủng hộ dành cho chính sách của ông trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 4 năm, kết thúc vào năm 2013.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.