.

Châu Âu đua với khủng hoảng nợ

.

Các chuyên gia cho rằng, đồng euro có thể sụp đổ trong vài ngày tới nếu không có hành động quyết liệt.    

 

Mô tả ảnh.
Biểu tình ở Lisbon phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng của Chính phủ Bồ Đào Nha. Ảnh: AP

 

Tối 29-11, các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để bàn về quỹ giải cứu, ngăn chặn khủng hoảng nợ công lây lan, trong lúc Mỹ và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm tín dụng gây áp lực đòi châu Âu sớm có giải pháp hữu hiệu.

Nhiệm vụ bảo vệ châu Âu, Mỹ, châu Á và phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu trước “cơn sóng thần” nợ công đang được đặt ra. Đồng euro không chỉ là tiền tệ đối với 332 triệu người đang sử dụng mà còn có tầm quan trọng đối với kinh tế khu vực và thế giới. Nếu đồng euro sụp đổ sẽ tạo ra hiệu ứng tiêu cực đối với cả 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU). Các ngân hàng cho vay sẽ “đóng băng”, thị trường chứng khoán sụp đổ và các nền kinh tế của châu Âu chẳng khác gì đứng trên miệng núi lửa. Các nước trong khối euro có thể chứng kiến kinh tế sụt giảm 50%. Không những thế, cơn đau tài chính này sẽ lan rộng về phía Tây và phía Đông là Mỹ và châu Á.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh các nhà chức trách của EU cần hành động nhanh chóng và dứt khoát để giải quyết khủng hoảng nợ công. Mỹ cho rằng, khủng hoảng ở châu Âu đang tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế hàng đầu thế giới vốn tăng trưởng chậm kể từ khi kết thúc suy thoái vào tháng 6-2009 và tỷ lệ thất nghiệp hiện tại của Washington vẫn là 9%. Thông điệp của ông Obama do người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney tuyên bố nêu rõ: Châu Âu cần hành động quyết liệt và dứt khoát để đối phó khủng hoảng nợ công.

Hãng Moody’s cảnh báo có thể hạ xếp hạng của 87 ngân hàng thuộc 15 quốc gia do lo ngại các Chính phủ không đủ tiền mặt để giải cứu những cơ quan cho vay này. Trong khi đó, hãng Standard & Poor’s nhiều khả năng hạ xếp hạng của Pháp trong vòng 10 ngày tới. Tổng thống Nicolas Sarkozy cam kết làm tất cả mọi việc để bảo vệ mức xếp hạng AAA của Pháp. Cuộc họp ngày 29-11 của 17 Bộ trưởng Tài chính thuộc khu vực đồng euro được kỳ vọng thúc đẩy các điều khoản chi tiết của Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF) để quỹ này có thể hỗ trợ Ý hoặc Tây Ban Nha, đồng thời mở rộng EFSF từ 440 tỷ euro (590 tỷ USD) lên 1.000 tỷ euro (1.300 tỷ USD). Những người đứng đầu ngành Tài chính của khối euro cũng có thể phê duyệt các khoản vay khẩn cấp tiếp theo dành cho Hy Lạp và Ireland. 

Trong khi mua trái phiếu của Tây Ban Nha và Ý trên thị trường để ngăn chặn chi phí cho vay vượt quá kiểm soát, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng thúc giục các Bộ trưởng Tài chính của khu vực đồng euro sớm hoàn tất các công việc kỹ thuật đối với EFSF. Song, Đức vẫn phản đối việc cho phép ECB in thêm tiền để mua trái phiếu chính phủ của các nước khủng hoảng, trong khi Pháp ủng hộ sự can thiệp của ECB.

Trong nhiều tuần qua, đồng euro được cảnh báo gia tăng nguy hiểm. Các chuyên gia cho rằng, đồng euro sẽ sụp đổ trong một vài ngày tới nếu không có hành động kiên quyết. Với những nước đã quyết định sẽ rời khỏi khu vực đồng euro và trở về với loại tiền tệ của riêng mình, việc chuyển đổi này cũng không dễ và gây tổn hại cho nền kinh tế. Các nhà kinh tế học cảnh báo, một nước yếu khi rời khối euro sẽ chứng kiến kinh tế của quốc gia này sụt giảm 50%. Wolfgang Munchau của Báo Financial Times cho rằng, đồng euro có khoảng 10 ngày để tránh sụp đổ. Ông Munchau kêu gọi quyết định của liên minh tài chính và tạo ra một ngân quỹ vững mạnh.

Đối mặt với khủng hoảng tài chính ở châu Âu, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne dự kiến công bố kế hoạch thúc đẩy kinh tế của quốc gia này. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo Anh có thể trở lại thời kỳ suy thoái.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.