.

Chính phủ mới của Hy Lạp tuyên thệ; Ý thông qua các biện pháp cải cách kinh tế

.

(ĐNĐT) - Ngày 11-11, tại hai quốc gia đang lâm nợ ở châu Âu là Hy Lạp và Ý đã diễn ra các động thái mới, đúng như tiến trình mong muốn của lãnh đạo hai nước trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế và chính trị này.

Mô tả ảnh.
Chính phủ liên minh mới của Hy Lạp tuyên thệ tại Dinh Tổng thống, Athens, ngày 11-11-2011 (Ảnh: AP)

 

Tại Hy Lạp, nội các lâm thời đã tuyên thệ, trong đó Thủ tướng là cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, Lucas Papademos và ông Evangelos Venizelos vẫn giữ chức Bộ trưởng Tài chính.

Ông Papademos được bổ nhiệm vào ngày 10-11 để lãnh đạo chính phủ liên minh, trong đó gồm hai đảng lớn nhất của Hy Lạp và một đảng cực hữu nhỏ hơn, sau khủng hoảng chính trị kéo dài hai tuần gây nguy hiểm đến nguồn quỹ giải cứu liên tục của nước này, đồng thời đặt ra câu hỏi về vị trí của mình trong khu vực euro.

Giờ đây, chính phủ của ông Papademos phải thực thi các điều kiện thỏa thuận nợ mới nhất của Hy Lạp - thỏa thuận trị giá 130 tỷ euro (177 tỷ USD) mà EU đạt được hôm 26-10. Trong đó, có cả việc các nhà đầu tư tư nhân phải cắt giảm 50% giá trị trái phiếu nợ chính phủ Hy Lạp, tương đương 100 tỷ euro.

Ông Papademos phải đảm bảo có được món tiền 8 tỷ euro tiếp theo trong gói giải cứu 110 tỷ euro ban đầu của EU và IMF mà nếu không có nó, Hy Lạp sẽ vỡ nợ trong vài tuần nữa. Một khi điều đó được thực hiện và nước này đã thực thi thỏa thuận nợ mới, ông Papademos sẽ đưa đất nước vào một cuộc bầu cử sớm, dự kiến vào tháng 2 năm sau.

Ông Papademos cùng chính phủ mới còn phải trải qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội trong vài ngày tới, một cuộc bỏ phiếu mà người ta chắc chắc sẽ vượt qua bởi chính phủ này được cả hai đảng lớn ủng hộ là đảng Xã hội của ông George Papandreou và đảng bảo thủ của ông Antonis Samaras.


Mặc dù chỉ lãnh đạo chính phủ trong vài tháng, nhưng Papademos sẽ phải đối mặt với thách thức là lãnh đạo đất nước qua việc thực hiện các biện pháp cắt giảm đã được thông qua, kể cả sa thải 30.000 nhân viên dân sự và trả lương một phần, cùng với hàng loạt các cuộc tư nhân hóa.

Thủ tướng Papademos còn phải thương lượng về chi tiết việc ghi giảm nợ của các nhà đầu tư tư nhân, kể cả trong thỏa thuận nợ EU mới nhất.

Thượng viện Ý thông qua các biện pháp cải cách kinh tế

Tại Ý, với 156 phiếu thuận, 12 phiếu chống và 1 phiếu trắng, Thượng viện nước này đã thông qua các biện pháp cải cách kinh tế nhằm tránh một sự sụp đổ niềm tin thị trường, thúc đẩy một sự chuyển giao nhanh chóng, đi đến kết thúc kỷ nguyên Berlusconi và mở đường cho một chính phủ khẩn cấp trong hai ba ngày tới.
Y.jpg
Thượng viện Ý tại cuộc bỏ phiếu thông qua các biện pháp cắt giảm, ngày 11-11-2011 (Ảnh: Getty)

 

Gói các biện pháp tiết giảm ngân sách do EU yêu cầu sẽ được chuyển cho Hạ viện thông qua vào ngày 12-11 để rồi Thủ tướng Berlusconi sẽ từ chức như đã hứa.

Là cựu ủy viên châu Âu, ông Mario Monti được chờ đợi sẽ kế vị ông Berlusconi vào ngày thứ Hai. Ông đã được chào đón nồng nhiệt khi đến Thượng viện để bỏ phiếu, sau khi được Tổng thống Giorgo Politano bổ nhiệm làm thượng nghị sĩ trọn đời.

Việc bổ nhiệm ông Monti được xem là lời khẳng định rõ ràng rằng, ông sẽ lãnh đạo một chính phủ mà đa phần là các nhà kỹ trị nhằm tiến hành các nỗ lực cải cách hầu tránh một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Ông Monti là người mà thị trường chờ đợi để lãnh đạo chính phủ mới vượt qua giai đoạn khó khăn vào lúc này.

Các nhà phân tích cho rằng, ông Monti có thể đối mặt với việc thực hiện các biện pháp cải cách không mấy thông dụng với sự chống đối mạnh mẽ từ một số đảng chính trị cánh tả và cánh hữu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao, Franco Frattini cho rằng, ông sẽ ủng hộ một chính phủ liên minh khẩn cấp do Monti lãnh đạo. “Ông ấy là một nhân vật quốc tế mà không ai có thể phủ nhận”, Frattini nói.

Monti từng là thành viên của Ủy ban châu Âu trong 10 năm. Trong đó, một nửa thời gian ông là ủy viên cạnh tranh, dẫn đầu các vụ án chống độc quyền quan trọng, liên quan đến nhiều công ty, kể cả Microsoft.

Quang Hiển (theo CNN, Reuters, AP)
;
.
.
.
.
.