Các phái đoàn của 190 quốc gia tham dự đàm phán kéo dài 2 tuần tại thành phố Durban của Nam Phi hy vọng phá vỡ bế tắc trong việc giảm khí thải carbon và những chất ô nhiễm khác.
Người dân Durban (Nam Phi) tuần hành chống biến đổi khí hậu với các khẩu hiệu: Hãy cứu khí hậu, năng lượng gió cho mọi người... Ảnh: Reuters |
Ngày 28-11, ngày khai mạc Hội nghị lần thứ 17 của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu ở Durban (COP 17), Tổ chức Oxfam công bố báo cáo cho rằng, thiên tai đang đẩy giá lương thực tăng cao và tạo ra gánh nặng cho người dân. Giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng là nỗ lực của các nước nhằm cứu vãn Nghị định thư Kyoto, vốn được thông qua vào năm 1997, có hiệu lực từ năm 2005 và hết hạn vào năm tới. Kyoto ngoài việc giảm khí thải nhà kính còn thiết lập cơ chế cho phép những nước giàu đền bù tình trạng ô nhiễm mà họ gây ra bằng cách đầu tư vào kỹ thuật làm sạch ô nhiễm tại các nước nghèo.
Hy vọng dấy lên trước thềm đàm phán rằng, sẽ có một thỏa thuận hỗ trợ các nước đang phát triển bị tổn thương do sự ấm lên của toàn cầu và ngăn chặn khoảng cách giữa nước giàu với nước nghèo để cứu Kyoto. Liên minh châu Âu (EU) và những khu vực bị tổn thương do biến đổi khí hậu muốn khởi động đàm phán càng sớm càng tốt và hoàn tất thỏa thuận trước năm 2015. Song, khủng hoảng nợ công đang bao phủ khiến khu vực đồng euro và Mỹ khó cung cấp thêm viện trợ hoặc áp dụng các giải pháp mới có thể làm tổn hại đến triển vọng tăng trưởng. Ian Fry, Trưởng đoàn đàm phán của đảo quốc Tuvalu ở Nam Thái Bình Dương, cho rằng Nam Phi dường như không thể đảm bảo COP 17 sẽ thành công.
Theo các phái viên, có thể đạt được một thỏa thuận chính trị cùng với các mục tiêu ràng buộc, nhưng chỉ có EU, New Zealand, Úc, Na Uy và Thụy Sĩ tham gia ký kết. Còn bất kỳ thỏa thuận nào phụ thuộc vào Trung Quốc và Mỹ, những quốc gia có lượng khí thải hàng đầu thế giới, đều sẽ gặp trở ngại trong nhiều năm. Trung Quốc không sẵn sàng đưa ra cam kết cho đến khi nhận được lời hứa tương tự từ Mỹ. Trong khi đó, Nga, Nhật Bản và Canada tuyên bố sẽ không ký thỏa thuận nếu các nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới không đi tiên phong.
Hãng Reuters cho biết, các nước đang nổi khẳng định Kyoto phải được mở rộng và những nước giàu nên có các mục tiêu cứng rắn hơn để bảo đảm sự chia sẻ công bằng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Nhiều chuyên gia đang thúc giục hành động ngay lập tức trước hàng loạt thảm họa thiên tai. Hạn hán ở vùng sừng châu Phi làm khoảng 13 triệu người lâm vào nạn đói, đồng thời gây thiệt hại 60% gia súc và 40% đàn cừu của Ethiopia. Là châu lục nghèo nhất thế giới, châu Phi dễ bị tổn thương nhất trước các điều kiện khí hậu khắc nghiệt và mực nước biển tăng. Riêng ở Somalia, cuộc khủng hoảng này đang phức tạp không chỉ bởi khí hậu mà còn do xung đột. Lũ lụt kéo dài cũng đẩy giá lương thực lên 25% ở Thái Lan.
Các nước giàu hứa góp 100 tỷ USD/năm vào Quỹ Khí hậu Xanh vào năm 2020. Song, Mỹ và Saudi Arabia phản đối một số điều khoản của quỹ này. Trong tháng này, 2 báo cáo riêng rẽ của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho hay, khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã đạt mức kỷ lục trong bầu khí quyển và khí hậu nóng lên dẫn đến lượng mưa dày hơn, lũ lụt nhiều hơn, lốc xoáy mạnh hơn và hạn hán nghiêm trọng hơn. Mặc dù các nước đã cam kết cắt giảm khí thải và có những điều khoản trong Nghị định thư Kyoto, nhưng LHQ, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) và nhiều tổ chức khác cho rằng, những lời hứa này vẫn chưa đủ để ngăn chặn hành tinh nóng lên.
BÌNH YÊN