.

G20 lo “cú sốc” Hy Lạp

.

Hơn 330 triệu người dân trong khu vực đồng euro không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc xem cử tri Hy Lạp dùng lá phiếu của mình như thế nào.

 

Mô tả ảnh.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy là những người đi đầu trong việc giải quyết khủng hoảng nợ của châu Âu. Ảnh: AP

 

Mối đe dọa về nguy cơ Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro đã phủ bóng xuống Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp và phát triển G20 tại Cannes (Pháp). Hội nghị ngày 3-11 bên sông Riviera tập trung vào các cải cách đối với hệ thống tiền tệ toàn cầu, nhưng quyết định gây sốc của Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou về việc trưng cầu dân ý xung quanh gói cứu trợ mới của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) làm dấy lên những quan ngại.

Kế hoạch mà Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, và IMF, Ngân hàng Trung ương châu Âu cùng các quan chức cấp cao EU khác đặt ra bao gồm giảm nợ cho Hy Lạp, tái cơ cấu vốn của các ngân hàng châu Âu và tận dụng Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF). Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng chủ trì cuộc họp với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Nhà lãnh đạo đến từ Washington đã bày tỏ lo lắng rằng khu vực đồng euro có thể dậy sóng vì khủng hoảng và nhấn chìm nền kinh tế Mỹ.

Được mời đến Cannes, ông Papandreou đã nhận được cảnh báo từ Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel khi cả hai nhà lãnh đạo này đều tức giận về “canh bạc” của người đứng đầu Chính phủ Hy Lạp. Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Merkel thuyết phục ông Papandreou tiến hành trưng cầu dân ý vào đầu tháng 12 tới (dự kiến vào ngày 4 hoặc 5-12). Các lãnh đạo của khu vực đồng euro cũng đã khấu trừ 8 tỷ euro trong khoản vay đối với Hy Lạp cho đến khi nước này hoàn tất trưng cầu dân ý.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Merkel, Tổng thống nước chủ nhà Sarkozy nói rằng, Hy Lạp phải quyết định việc có muốn tiếp tục hành trình với khu vực đồng euro hay không. Ông Sarkozy hy vọng dùng nhiệm kỳ Chủ tịch G20 làm bàn đạp cho chiến dịch tái tranh cử Tổng thống vào năm 2012 và thiết lập mục tiêu đầy tham vọng, bao gồm hoạch định hệ thống tiền tệ toàn cầu cũng như chống biến động giá cả hàng hóa. Song, ông không thể lo toan quá nhiều trọng trách, ngoài việc tập trung hơn cả vào chống khủng hoảng trong khu vực. Ông Sarkozy và các quan chức cấp cao của EU đều không nghĩ rằng Hy Lạp sẽ bị đẩy khỏi khu vực đồng euro; bởi theo người đứng đầu Điện Elysee, đó là “sự thất bại của châu Âu”. Trong khi đó, bà Merkel mô tả các cuộc trao đổi với ông Papandreou là “cứng rắn và khó khăn”. Theo bà, mục tiêu ổn định khu vực đồng euro quan trọng hơn việc cứu Hy Lạp nếu nước này không muốn giải cứu.

Tuy nhiên, Thủ tướng Papandreou cho rằng, việc Hy Lạp tham gia trong khu vực đồng euro không phụ thuộc vào cuộc trưng cầu dân ý. Ông cũng lạc quan về khả năng người dân Hy Lạp sẽ ủng hộ việc quốc gia này vẫn tiếp tục dùng đồng euro và không phải quay về đồng drachma.

Nhiều nhà kinh tế quan ngại việc Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro có thể tạo ra “hiệu ứng domino” tài chính. Các nhà đầu tư và những người gửi tiền ở ngân hàng cũng lo lắng Chính phủ của họ sẽ theo “gót chân Asin” của Hy Lạp. Chuyên gia Donald Hanna thuộc nhóm đầu tư Fortress nhận định: Bồ Đào Nha và Ireland có thể tiếp bước Hy Lạp và điều dễ nhận thấy là sự gia tăng phí cho vay ở các nền kinh tế như Ý.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.