.

Hy Lạp đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh

.

(ĐNĐT) - Đêm qua, 6-11, Thủ tướng Hy Lạp Papandreou tuyên bố đồng ý từ chức với điều kiện thỏa thuận về gói giải cứu gây tranh cãi trị giá 130 tỷ euro phải được thông qua.

Mô tả ảnh.
Bộ trưởng Tài chính Evangelos Venizelos có thể sẽ là người dẫn dắt chính phủ liên minh mới. Ảnh: Getty

 

Tuyên bố của ông Papandreou có được sau một cuộc họp do Tổng thống Karolos Papoulias chủ trì. Trong cuộc họp đó, ông Papandreou và ông Antonis Samaras, lãnh đạo phe đối lập, Đảng Dân chủ Mới, đã đồng ý hình thành một chính phủ mới.

“Hôm nay là một ngày lịch sử đối với Hy Lạp”, phát ngôn viên Chính phủ Ilias Mossialos nói. Một chính phủ mới sẽ tuyên thệ và tổ chức cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong vòng một tuần nếu mọi thứ diễn ra theo kế hoạch, ông Ilias Mossialos cho biết.

Cả hai bên đều đồng ý rằng, ngày 19-2 tới sẽ là ngày thích hợp nhất để tổ chức bầu cử.

Hai ông Papandreou và Samaras sẽ gặp nhau lại lần nữa vào ngày hôm nay, 7-11, nhằm thảo luận ai sẽ là thủ tướng kế nhiệm cũng như ai sẽ phục vụ trong chính phủ mới, văn phòng Tổng thống Karolos Papoulia cho biết sau khi EU yêu cầu Hy Lạp phải trình cho được văn bản pháp luật về cách thực thi gói giải cứu khẩn cấp trị giá 130 tỷ euro trong vòng 24 giờ tới.

Theo BBC, có thể Bộ trưởng Tài chính Evangelos Venizelos sẽ là người dẫn dắt chính phủ liên minh mới.

Elias Nikolakopoulos, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Athens cho rằng, ông Papandreou và ông Samaras sẽ phải xóa bỏ những khác biệt sâu sắc và ân oán cá nhân bởi Hy Lạp đang ngập sâu trong khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội, tương lai của nước này trong khu vực euro đang đặt ra dấu hỏi, và sự tôn trọng của người dân Hy Lạp đối với họ đã xuống đến đáy.

“Cuộc bầu cử mới có thể sẽ được tổ chức vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 năm sau. Họ (Papandreou và Samaras) không có thời gian để thực hiện thỏa thuận về gói giải cứu EU trước thời gian đó”, giáo sư Elias Nikolakopoulos phân tích.

Brussels đã gia tăng áp lực lên Athens phải thông qua thỏa thuận gói giải cứu, một mạch sống tài chính cuối cùng cho Hy Lạp, vì sợ rằng, cuộc khủng hoảng của nước này sẽ tràn sang các nền kinh tế lớn hơn của khu vực euro như Ý và Tây Ban Nha, vốn sẽ khó khăn hơn nhiều để giải cứu.

Động thái của ông Papandreou có thể sẽ khép lại một chương trong giai đoạn hỗn loạn về chính trị, kinh tế của chính phủ Hy Lạp, khi ông Papandreou đã trở thành tâm điểm của mọi sự chỉ trích với vai trò lãnh đạo của ông đối với đất nước nam Âu này trong cơn khủng hoảng chính trị kéo dài.

Việc ra đi của ông Papandreou cũng mở đường cho việc thông qua thỏa thuận mà ông đã thương lượng với lãnh đạo EU hôm 26-10. Thỏa thuận đó sẽ cắt giảm một nửa số nợ công của nước này trị giá 100 tỷ euro; đồng thời một lời hứa trị giá 30 tỷ euro nhằm giúp khu vực công cắt giảm nợ.

                                                                                                                    Quang Hiển (theo BBC, CNN)

;
.
.
.
.
.