.

Hy Lạp loay hoay "cứu nguy quốc gia", khủng hoảng bắt đầu lan sang Ý

.

(ĐNĐT) - Ngày 5-11, Đảng Xã hội cầm quyền và phe đối lập Hy Lạp đã đưa ra các kế hoạch trái chiều để cứu đất nước khỏi vỡ nợ và bảo toàn vị trí thành viên khu vực đồng euro của mình, mặc cho một lời kêu gọi từ tổng thống nước này là hãy hợp tác để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Mô tả ảnh.
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đứng trước Dinh Tổng thống Karolos Papoulias, Athens, ngày 5-11-2011 (Ảnh: Reuters)

 

Đối với Thủ tướng George Papandreou, chỉ có một chính phủ liên minh cầm quyền trong vòng ít nhất vài tháng mới đưa Hy Lạp vào lộ trình cứu nguy quốc gia và đảm bảo an toàn về mặt tài chính từ các nhà cho vay quốc tế trước khi hết tiền.

Tuy nhiên, phe đối lập, Đảng Dân chủ Mới do Antonis Samaras lãnh đạo, đã bác bỏ thẳng thừng ý kiến đó, đồng thời đưa ra quan điểm cạnh tranh về một cuộc bầu cử chớp nhoáng, yêu cầu Thủ tướng Papandreou từ chức sau 2 năm ông vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Samaras đã cáo buộc Thủ tướng Papandreou cố gắng “buộc tất cả mọi người vào những chọn lựa của mình” thay vì từ chức.

Trong một thông điệp rõ ràng với các đối tác châu Âu, ông Samaras nhấn mạnh rằng, Đảng Dân chủ Mới của ông hoàn toàn chấp nhận thỏa thuận giải cứu mới của EU hôm 26-10, mục tiêu nhằm khắc phục khủng hoảng nợ và hoàn toàn ủng hộ việc cải cách về cấu trúc. Tuy nhiên, đảng này không đồng ý với các chính sách tài chính và các biện pháp cắt giảm “vốn đã thất bại trong quá khứ và cần phải được xem xét lại”.

Trong khi đó, Tổng thống Karolos Papoulias lại kêu gọi các bên đối lập chính trị tại Hy Lạp hãy vượt qua sự khác biệt nhằm giải quyết khủng hoảng, vốn đang đe dọa sẽ làm đánh mất niềm tin của cộng đồng quốc tế trên toàn bộ khu vực sử dụng đồng tiền chung euro.

“Đồng thuận là cách duy nhất”, Tổng thống Papoulias nói với Thủ tướng Papandreou trong cuộc gặp tại Dinh Tổng thống để phát động ý định của mình cho một chính phủ liên minh.

Ngày hôm nay, 6-11, Tổng thống Papoulia sẽ có một cuộc gặp gỡ với Antonis Samaras để cố gắng thúc giục các bên đối lập hãy cố gắng giữ cam kết như đã hứa.

Khủng hoảng bắt đầu lan sang Ý

Ngày 5-11, hàng chục nghìn người biểu tình đã tập trung tại thủ đô Roma để lên tiếng phản đối chính phủ của Thủ tướng Silvio Berlusconi và những cải cách của ông.

Y.jpg
Hàng chục nghìn người biểu tình phản đối Thủ tướng Berlusconi tại thủ đô Roma ngày 5-11. Ảnh: Getty

 

Nhiều người biểu tình đã vẫy cờ của đảng mình khi tràn ngập quảng trường trung tâm trong một cuộc tuần hành hòa bình kêu gọi ông Berlusconi từ chức.

Một số người cho rằng, họ muốn một cuộc bầu cử chớp nhoáng, những người khác lại muốn hình thành một chính phủ kỹ trị chuyển giao nhằm đưa Ý vượt qua những tháng khó khăn sắp tới.

Thủ tướng Berlusconi phát biểu hôm thứ Sáu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 rằng, Ý đã đồng ý để Quỹ tiền tệ quốc tế IMF “chứng thực” chương trình cải cách của mình, một bước được thiết kế để đẩy mạnh niềm tin của nhà đầu tư.

Tuy vậy, ông Berlusconi đối diện với một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm có thể sẽ được tổ chức vào tuần tới, giữa những chỉ trích cách điều hành nền kinh tế của ông. Các nhà phân tích cho rằng, có thể ông không còn được sự ủng hộ của đa số tại nghị viện.

Dự kiến một cuộc bỏ phiếu về các biện pháp cải tổ ngân sách sẽ được tổ chức tại Roma vào ngày thứ Ba tới.

Tổng thống Ý, Giorgio Napolitano đã cảnh báo đến một “cuộc khủng hoảng uy tín” khi nói đến cam kết của Ý trong việc cải tổ và ông cho rằng, các cải cách về cấu trúc đã được thông qua tại Brussels tháng trước phải được thực hiện.

Mối quan ngại của cộng đồng quốc tế đã tập trung vào Ý, nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực euro, trong lúc họ quan ngại rằng cuộc khủng hoảng tài chính đang tập trung tại Hy Lạp có thể lan rộng. Tác động hiệu ứng đổ vỡ tại Ý đối với nền kinh tế toàn cầu có thể còn nghiêm trọng hơn là một sự đổ vỡ tại Athens.

Mặc dù nền kinh tế Ý nằm trong khuôn khổ tốt hơn là của Hy Lạp nhưng chi phí vay mượn cho chính phủ đã lên đến một mức cao của khu vực euro là 6,43% ngày vào ngày 5-11. Nợ quốc gia chiếm khoảng 150% trị giá nền kinh tế.

Hiện người ta ngày càng quan ngại rằng chính phủ của ông Berlusconi không còn sức mạnh để thúc đẩy các biện pháp cắt giảm cần thiết để đưa nền kinh tế ra khỏi sự tròng trành.

Mặc dù Ý đã thông qua gói các biện pháp cắt giảm vào tháng 9, kể cả tăng thuế, các nhà kinh tế sợ rằng, nếu không có những cải cách khác, thì nợ công của nước này có thể quá cao và sẽ không có tiền trong quỹ giải cứu châu Âu có thể giải cứu.

Quang Hiển (theo CNN, Reuters, THX)

;
.
.
.
.
.