(ĐNĐT) - Ngày 9-11, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones đã giảm hơn 350 điểm sau khi chi phí vay của Ý tăng cao và cuộc đàm phán thành lập chính phủ mới tại Hy Lạp đổ vỡ.
Tại Hy Lạp, cuộc đàm phán chia sẽ quyền lực giữa hai đảng chính của nước này đã đổ vỡ vào ngày 9-11, làm gia tăng mối nghi ngờ khả năng nước này sẽ không nhận được các món cho vay khẩn cấp cần thiết để tránh vỡ nợ.
Tại Ý, Thủ tướng Silvio Berlusconi hôm 8-11 đã hứa rằng, ông sẽ từ chức sau khi một gói ngân sách mới được thông qua. Tuy nhiên, người ta quan ngại rằng, quá trình chuyển giao sang một chính phủ mới sẽ khó khăn. Các thị trường xem ông Berlusconin là một trở ngại lớn đối với việc cải cách kinh tế mà Ý cần phải có để tồn tại mà không bị vỡ nợ.
Phản ứng tiêu cực của thị trường
Lợi tức trên trái phiếu ghi nợ chính phủ Ý thấp nhất đã tăng trên 7%, dấu hiệu cho thấy, các nhà đầu tư đang mất niềm tin vào khả năng hoàn trả nợ của chính phủ.
Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland đã được yêu cầu giải cứu tài chính khi lãi suất nợ chính phủ của họ tăng trên ngưỡng đó. Không giống các nước này, 2,6 nghìn tỷ USD nợ nần của Ý là quá lớn mà các nước châu Âu không thể cứu vãn.
Giám đốc quỹ tín dụng JMP, Mark Lehmann cho rằng: “Thị trường thích một giải pháp nhanh và chúng ta rõ ràng là không có được giải pháp đó”. Mark Lehmann cho rằng, bây giờ một mẫu tin xấu thôi cũng sẽ bị phản ứng một cách tiêu cực.
Chỉ số Dow đã giảm 377 điểm, tương đương 3%, xuống còn 11.794 điểm lúc 3 giờ 17 phút chiều ngày 9-11. Nếu dừng ở mức đó, đây sẽ là đợt giảm điểm lớn nhất trong một ngày của chỉ số này kể từ hôm 22-9.
Chỉ số Nasdaq đã giảm 97 điểm, tương đương 3,5%, còn 2.631 điểm. Cả chỉ số của S&P 500 và Nasdaq đều nằm dưới so với ngưỡng đầu năm. Chỉ số Dow vẫn tăng 2%.
Việc giảm điểm diễn ra trên diện rộng. Chỉ có 3 mã trên sàn S&P tăng là Best Buy Co; Boston Scientific Corp và Yahoo!. Các công ty tài chính và sản xuất vật liệu rớt thảm hại nhất. Morgan Stanley giảm 8% và Goldman Sachs mất 7%.
Trong tuần, báo cáo quý cho thấy, Morgan Stanley thông báo có 1,79 tỷ USD nằm trong diện nguy hiểm tại Ý. Goldmand Sachs có 2,4 tỷ USD trong các khoản cho vay và các khoản nợ tại Hy Lạp, Ý và các nước ngập nợ khác tại châu Âu. Tính chung cho cả châu Âu, Goldman đang có tổng cộng 28 tỷ USD nằm trong diện nguy hiểm.
Hy Lạp hoặc Ý vỡ nợ sẽ dẫn đến tổn thất khổng lồ
Các thị trường sợ rằng, một vụ vỡ nợ, hoặc của Hy Lạp, hoặc của Ý, sẽ dẫn đến một tổn thất khổng lồ cho các ngân hàng châu Âu. Hệ quả, nó sẽ làm đóng băng việc cho vay toàn cầu vốn sẽ làm leo thang các cuộc khủng hoảng nợ tín dụng khác tương tự như đã từng xảy ra sau vụ sụp đổ của Lehman Brothers vào năm 2008 tại Mỹ.
Nguyên nhân chính của mối lo ngại là sự gia tăng chi phí vay của Ý, bởi lợi tức trái phiếu 10 năm của chính phủ Ý đã tăng vọt lên 7,4% vào ngày 9-11, tăng 0,82% điểm so với trước đó một ngày. Sau đó, đã hạ xuống 7,25% trong ngày, mức mà các nhà phân tích vẫn cho là không thể chịu nổi.
Lãi suất trái phiếu dựa vào niềm tin và trên cơ sở cung cầu. Nhà đầu tư càng tin vào sức khỏe của nền kinh tế, thì họ càng mua nhiều nợ của chính phủ. Càng được mua nhiều, lãi suất của trái phiếu càng thấp, có nghĩa là Ý có thể mượn tiền để trả nợ ở một mức lãi suất tương đối thấp.
Khi niềm tin vào nền kinh tế giảm, thì có ít nhà đầu tư muốn đầu tư vào các trái phiếu nợ của quốc gia đó, và đó là điều đang xảy ra tại Ý.
Trái phiếu nợ của Ý đang mất hấp dẫn nhà đầu tư bởi vì họ sợ nước này không có khả năng trả nợ dài kỳ trên cơ sở tình hình kinh tế hiện nay.
Chỉ riêng năm tới, Ý sẽ phải vay mượn ít nhất 300 tỷ euro, gần bằng tổng nợ của Hy Lạp với các nhà cho vay, để trả các món nợ đến kỳ. Người ta lo rằng mức lãi suất thăng thiên của lợi tức trái phiếu của Ý sẽ nhanh chóng trở nên quá tốn kém và nước này không thể tiếp tục mượn tiền trả nợ.
Quang Hiển (theo CNN, Time)