Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi cam kết từ chức sau khi các cải cách kinh tế quan trọng được thông qua. Ý dường như rơi vào bất ổn chính trị sau khi Thủ tướng Berlusconi chấp nhận từ chức như người đồng cấp Hy Lạp George Papandreou, đồng thời đảng Nhân dân tự do (PDL) trung hữu của ông kêu gọi bầu cử và phe đối lập yêu cầu một Chính phủ thống nhất.
Bộ trưởng Nội vụ Roberto Maroni (trái), Thủ tướng Silvio Berlusconi (giữa) và Bộ trưởng Cải cách liên bang Umberto Bossi tại cuộc bỏ phiếu tối 8-11. Ảnh: EPA |
Hãng AP cho biết, sau khi không giành được đa số phiếu ở Hạ viện, Thủ tướng Berlusconi nói rằng, ông sẽ từ chức khi Quốc hội thông qua cải cách ngân sách theo yêu cầu của các đối tác châu Âu nhằm hỗ trợ Ý vượt qua khủng hoảng nợ công, vấn đề vốn đang đe dọa cả khu vực đồng euro. Trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 8-11, Chính phủ của ông Berlusconi tuy giành chiến thắng với 308/630 phiếu thuận, nhưng 312 phiếu trắng của phe đối lập đã khiến nhà lãnh đạo này thiếu 8 phiếu để đạt đa số.
Vị Thủ tướng 75 tuổi Berlusconi từng vượt qua 50 lần bỏ phiếu tín nhiệm nhấn mạnh bầu cử chỉ là bước đi thực tế tiếp theo nhưng các lãnh đạo phe đối lập kêu gọi hình thành một Chính phủ quốc gia. Tổng thống Giorgio Napolitano sẽ đàm phán với tất cả các đảng chính trị sau khi các giải pháp ngân sách mới được phê chuẩn. Lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập Pier Luigi Bersani kêu gọi bắt đầu một giai đoạn mới và đề xuất thành lập một Chính phủ chuyển tiếp với sự tham gia của các đại diện đảng phái chính trị. Nhân vật được dự đoán tạm nắm quyền lãnh đạo là cựu Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về cạnh tranh Mario Monti. Song, những thành viên của PDL cho rằng, việc hình thành Chính phủ mới sẽ khó khăn. Theo Bộ trưởng Giáo dục Mariastella Gelmini, tất cả lãnh đạo PDL đều muốn bầu cử sớm bởi khó có thể hình dung về bức tranh của Chính phủ thống nhất quốc gia trong lúc có những bất đồng chính trị lớn.
Ngày 9-11, ông Berlusconi khẳng định sẽ không tiếp tục ra tranh cử. Theo đó, người kế nhiệm Angelino Alfano sẽ là ứng viên của PDL khi Ý tổ chức bầu cử mới, dự kiến vào đầu năm 2012. Tuy nhiên, việc từ chức của ông Berlusconi có thể chưa đủ. Nhà phân tích chính trị Sergio Romano cảnh báo một kỷ nguyên “hậu Berlusconi” vẫn chưa rõ ràng. Đồng thời, giới quan sát nước ngoài cho rằng, việc kết thúc triều đại Berlusconi không đồng nghĩa một Chính phủ mới đáng tin cậy hơn sẽ xuất hiện.
Quan ngại trong lúc này là khả năng của Chính phủ Berlusconi trong việc thực thi cải cách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm thâm hụt nợ công khổng lồ. Đồng euro đã tăng giá ngay sau khi ông Berlusconi công bố ý định từ chức. Chi phí vay nợ của nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực đồng euro tăng lên 6,7%, cùng với khoản nợ hiện tại 1.900 tỷ euro (2.600 tỷ USD) đặt nước này vào nguy cơ không thể trả được nợ. Theo giới quan sát, Ý có thể trở thành một Hy Lạp thứ hai. Cao ủy châu Âu về các vấn đề kinh tế Olli Rehn mô tả tình trạng của Ý, quốc gia chiếm 17% GDP của khu vực đồng euro, là “đáng lo ngại”.
Ông Berlusconi được bầu làm Thủ tướng từ năm 1994 và là Thủ tướng nắm quyền lâu nhất trên chính trường Ý với 17 năm. Thời gian gần đây, ông sa lầy vào hàng loạt bê bối pháp lý, bị cáo buộc tình dục và phải đối phó với khủng hoảng chính trị - kinh tế.
THIÊN BÌNH