Nga đe dọa triển khai tên lửa nhằm vào hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu nếu Washington không xoa dịu quan ngại của Mátxcơva.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M được phóng tại một vị trí không xác định ở Nga. Ảnh: AP |
Tổng thống Dmitry Medvedev cảnh báo Nga sẽ triển khai các tên lửa Iskander có tầm bắn 500km ở Kaliningrad, vùng biển Baltic giáp biên giới Ba Lan và Lithuania - các thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU), cùng những khu vực khác, nếu Mỹ tiếp tục kế hoạch phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Song, ông Medvedev không đề cập đến việc các tên lửa mang đầu đạn thông thường hay đầu đạn hạt nhân. Nhà lãnh đạo Điện Kremlin khẳng định Nga sẽ đặt một radar mới cảnh báo sớm ở Kaliningrad để đối phó với nguy cơ tấn công bằng tên lửa.
Theo Tổng thống Medvedev, hệ thống vũ khí cũng có thể được triển khai ở miền nam, gần Georgia và Thổ Nhĩ Kỳ. “Hệ thống vũ khí hiện đại của Nga hoàn toàn có thể vượt qua các hệ thống tên lửa và những đầu đạn hiệu quả cao của Mỹ”, ông Medvedev nói.
Hãng AP cho rằng, tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Medvedev minh chứng cho các rạn nứt sâu sắc giữa Nga - Mỹ, mặc dù người đồng cấp Barack Obama đang nỗ lực thiết lập lại quan hệ với Điện Kremlin. Ông Medvedev vẫn hy vọng đạt được một thỏa thuận với Mỹ về phòng vệ tên lửa, nhưng ông cáo buộc Washington cùng các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang phớt lờ những lo lắng của Nga. Theo ông Medvedev, Nga sẽ thực hiện các giải pháp quân sự nếu Mỹ tiếp tục xây dựng hệ thống phòng thủ mà không bảo đảm rằng, động thái này không hướng đến mục tiêu là Mátxcơva. Washington luôn khẳng định hệ thống lá chắn tên lửa đặt tại châu Âu không nhằm vào các lực lượng Nga. Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói rằng, lá chắn được thiết kế để giúp ngăn chặn và đánh bại các mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ Iran chống lại châu Âu và các đồng minh của Mỹ.
Trước những tuyên bố của Nga, người phát ngôn Nhà Trắng Tommy Vietor cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác của Nga. Tại Brussels (Bỉ), Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen bày tỏ sự thất vọng với đe dọa của Nga. Ông Rasmussen cho rằng, tuyên bố của Tổng thống Medvedev làm gợi nhớ đến quá khứ và không phù hợp với quan hệ chiến lược mà NATO và Nga đã thống nhất. “Hợp tác và không đối đầu là con đường phía trước”, người đứng đầu NATO khẳng định.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Nga cũng dọa rút khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START), vốn được ông và người đồng cấp Mỹ ký kết vào tháng 4-2010. Ông Medvedev đề cập đến liên kết không thể tách rời giữa vũ khí tấn công chiến lược và vũ khí phòng thủ, nhưng START không khiến Mỹ ngừng xây dựng các hệ thống phòng thủ tên lửa mới. Ông chủ Nhà Trắng Obama mô tả START là thỏa thuận quan trọng nhất trong gần 20 năm qua, đánh dấu nỗ lực kiểm soát tham vọng vũ khí và là thắng lợi lớn của ông trong chính sách đối ngoại cải thiện quan hệ với Mátxcơva. Vì vậy, nếu Nga rút lui sẽ là đòn giáng mạnh đối với quan hệ 2 nước.
Mỹ muốn hoàn tất lá chắn tên lửa vào năm 2020, đồng thời đã lắp đặt một phần hệ thống ở Ba Lan và Romania. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một trong những nước tiếp theo triển khai hệ thống radar theo dự án này. Tuy nhiên, Nga xem ý định của Mỹ là mối đe dọa đối với các sức mạnh hạt nhân của mình mặc dù Washington luôn khăng khăng rằng, lá chắn chỉ đơn thuần nhằm phòng vệ trước những quốc gia như Iran.
THIÊN BÌNH