.

Nội các Hy Lạp ủng hộ “cú sốc Papandreou”

.
Nếu cử tri Hy Lạp quay lưng với gói giải cứu của Liên minh châu Âu (EU) sẽ tạo ra làn sóng bất ổn đối với hệ thống tài chính toàn cầu.

Mô tả ảnh.
Thủ tướng George Papandreou đã chủ trì cuộc họp nội các đến gần 3 giờ ngày 2-11. Ảnh: Getty Images
 
Báo giới gọi việc Hy Lạp tìm kiếm sự ủng hộ từ công chúng đối với gói giải cứu mới nhất của EU là “cú sốc Papandreou”, bởi quyết định này trước hết đặt nền tài chính của Athens cũng như tương lai chính trị của Thủ tướng George Papandreou vào thế rủi ro cao. Nếu cử tri nói “Không” với các cải cách “thắt lưng buộc bụng”, Hy Lạp sẽ bị đẩy ra khỏi khu vực đồng euro, chẳng những làm Chính phủ sụp đổ mà còn tạo ra cú sốc lớn đối với nền tài chính toàn cầu.

Cuộc họp marathon của nội các Hy Lạp kéo dài 7 tiếng đồng hồ, đến 3 giờ ngày 2-11, cũng đã thống nhất ủng hộ quyết định gây ngạc nhiên của ông Papandreou. Người phát ngôn Chính phủ Ilias Mossialos nói rằng, việc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức càng sớm càng tốt khi đạt được các nguyên lý cơ bản của thỏa thuận nợ.

CNN cho biết, nội các Hy Lạp đã bỏ phiếu chỉ vài giờ trước khi Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cùng các nhân vật cấp cao của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhóm họp với các quan chức Athens tại Cannes (Pháp) vào ngày 2-11. Ông Sarkozy và bà Merkel, những người đi đầu trong nỗ lực đối phó khủng hoảng nợ châu Âu, đã trao đổi qua điện thoại và đồng ý gặp gỡ tại Cannes ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20. Phát biểu trong cuộc họp nội các, Thủ tướng Papandreou khẳng định trưng cầu dân ý là thông điệp rõ ràng đối với nội bộ Hy Lạp cũng như bên ngoài quốc gia này về sự tham gia của Athens trong khu vực đồng euro.

Động thái mới của Thủ tướng Papandreou đã làm xáo trộn tình hình chính trị Hy Lạp và khiến các nước châu Âu phật lòng. Tổng thống Pháp Sarkozy cho rằng, tuyên bố của ông Papandreou gây ngạc nhiên cho toàn thể châu Âu. “Kế hoạch chỉ là giải pháp để giải quyết vấn đề nợ của Hy Lạp”, ông Sarkozy nói. Chủ trì hội nghị các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro, Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker quan ngại Hy Lạp có thể phá sản nếu các cử tri bác bỏ gói giải cứu. Thị trường thế giới cũng biến động. Giá dầu thô ở châu Á tăng lên gần 93 USD/thùng vào ngày 2-11.

Song, trả lời Thời báo Tài chính Deutschland ngày 2-11, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble bày tỏ tin tưởng người dân Hy Lạp sẽ ủng hộ những cải cách của Chính phủ trong cuộc trưng cầu dân ý. Ông Schaeuble nhấn mạnh: Nếu Hy Lạp chấp nhận gánh nặng và những nỗ lực theo yêu cầu của chương trình cứu trợ, nếu Athens muốn ở lại trong khu vực đồng euro thì EU sẽ ủng hộ đất nước đang chìm trong nợ công này.

Chính phủ Hy Lạp vẫn phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm quan trọng tại Quốc hội vào ngày 4-11 tới. Nếu Hy Lạp vỡ nợ, các ngân hàng của nước này sẽ sụp đổ do nắm giữ lượng lớn trái phiếu Chính phủ.

Các cuộc khảo sát cho thấy một bức tranh phức tạp đang hiện hữu ở Hy Lạp. Theo một khảo sát, 60% cử tri phản đối thỏa thuận giải cứu của EU. Song, một khảo sát khác vào cuối tuần qua của Viện Nghiên cứu Kappa lại cho hay, đa số cử tri muốn trưng cầu dân ý đối với kế hoạch giải cứu của quốc tế, 70% muốn Hy Lạp ở lại với khu vực đồng euro.

BÌNH YÊN
;
.
.
.
.
.