.

Phương Tây trừng phạt Iran

.
Ngành hóa dầu, dầu mỏ, khí đốt và tài chính của Iran bị áp đặt lệnh trừng phạt mới nhất của phương Tây.

Mô tả ảnh.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Tim Geithner và Ngoại trưởng Hillary Clinton trong cuộc họp báo tuyên bố trừng phạt Iran. Ảnh: Reuters
 
Mỹ, Anh và Canada đã công bố những biện pháp trừng phạt mới chống lại các khu vực tài chính và năng lượng của Iran. Đây là phản ứng sau báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) về việc Iran bí mật chế tạo bom nguyên tử được công bố vào ngày 8-11 vừa qua. Các nhà phân tích cho rằng, động thái này có thể gia tăng áp lực đối với Tehran nhưng sẽ không ngừng được chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này.

Hãng Reuters cho biết, Mỹ gọi Iran là “khu vực quan ngại chính về rửa tiền”. Xuất hiện trong cuộc họp báo bên cạnh Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner cảnh báo các ngân hàng quốc tế thận trọng khi giao dịch với bất kỳ doanh nghiệp của Iran có thể tài trợ cho chương trình hạt nhân ở nước này. 11 doanh nghiệp đã bị liệt vào “danh sách đen” hỗ trợ chương trình hạt nhân của Iran và các biện pháp mở rộng của phương Tây nhằm vào các công ty hỗ trợ dầu mỏ cũng như ngành công nghiệp hóa dầu.
Trong động thái phối hợp, Chính phủ London đã ra lệnh cho các công ty tài chính Anh ngừng giao dịch với những đối tác Tehran, trong đó có Ngân hàng Trung ương Iran. Canada cấm xuất khẩu các loại hàng hóa dùng cho các ngành công nghiệp hóa dầu và dầu khí của Iran, đồng thời phong tỏa tất cả giao dịch của nước này, bao gồm cả Ngân hàng Trung ương Iran, ngoại trừ việc cho phép người Canada gốc Iran chuyển tiền về nhà.

Đối với Pháp, tuy không đưa ra những hành động cụ thể, nhưng Paris thúc giục Liên minh châu Âu (EU) và những nước khác không những ngay lập tức “đóng băng” tài sản của Ngân hàng Trung ương Iran, mà còn dừng việc mua dầu. Điện Elysee gọi đây là “những biện pháp trừng phạt với quy mô lớn chưa từng có”. Còn biện pháp của EU đối với các ngành công nghiệp Iran sẽ được đệ trình lên cuộc họp các Ngoại trưởng liên minh này vào ngày 1-12 tới.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố: Iran đã chọn con đường cô lập quốc tế. Tuy nhiên, giới phân tích không tin những biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ ngăn cản Iran theo đuổi chương trình hạt nhân. Kế hoạch hạt nhân của Iran vốn bị phương Tây nghi ngờ hướng đến vũ khí hạt nhân nhưng Tehran khăng khăng rằng, chương trình hạt nhân hoàn toàn nhằm mục đích hòa bình.

Theo Hãng Reuters, việc phương Tây đơn phương áp đặt trừng phạt phản ánh tình thế khó khăn khi thuyết phục Nga và Trung Quốc không dùng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nga mô tả sự trừng phạt mới là “không thể chấp nhận được” và chống lại luật quốc tế, cũng như sẽ làm phức tạp các động thái đối thoại xây dựng với Tehran.

Bộ trưởng Thương mại Iran Mehdi Ghazanfari nói rằng, việc trừng phạt sẽ tác động đến nền kinh tế nước này. Song, ông Ghazanfari cảnh báo phương Tây đang tự làm tổn hại lợi ích của họ. Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Tehran sau tuyên bố của Mỹ và Anh, ông Ghazanfari cho rằng, “việc trừng phạt là trò chơi đôi bên cùng mất mát”. “Nếu họ không đầu tư vào các dự án dầu của chúng tôi, họ sẽ mất một thị trường hấp dẫn”, ông Ghazanfari nói. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast cũng khẳng định hàng loạt biện pháp trừng phạt mới sẽ không có hiệu quả. Tổng thống nổi tiếng cứng rắn của Iran Mahmoud Ahmadinejad vẫn thường nói rằng, cấm vận ít gây ảnh hưởng với nước ông và trong một số trường hợp lại làm cho nền kinh tế mạnh hơn bởi Tehran tìm kiếm các giải pháp trong nước để chống chọi những thách thức.

BÌNH YÊN
;
.
.
.
.
.