Hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á, trong đó có việc duy trì an ninh, an toàn hàng hải khu vực, giải quyết các tranh chấp bằng hòa bình, là mục tiêu được những nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đặt ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) ở đảo Bali của Indonesia vào cuối tuần qua.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải hợp tác vì an ninh và an toàn hàng hải bởi đây là lợi ích chung của khu vực cũng như các nước liên quan. Theo đó, các nước cần tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), nhất là trong lúc căng thẳng trên Biển Đông xung quanh những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Với việc Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev lần đầu tiên hiện diện tại EAS, sự kiện này trở thành tâm điểm của cả khu vực và thế giới trong những ngày qua. Giới quan sát cho rằng, sự tham gia của Washington và Mátxcơva không những giúp nâng tầm quan trọng chiến lược của ASEAN, EAS mà còn làm cân bằng các mối quan hệ trong khu vực này. Tuyên bố EAS về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi và kết nối ASEAN là cơ sở để thúc đẩy sự hợp tác, tôn trọng giữa các thành viên trong khu vực, đồng thời là nền tảng bảo đảm hòa bình và ổn định, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững.
9 ngày công du châu Á của Tổng thống Obama đã khép lại với Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ và gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo để đề cập đến vấn đề Biển Đông cùng những tranh chấp về kinh tế, thương mại riêng rẽ giữa Washington - Bắc Kinh. Không phải là thành viên của EAS và ở một châu lục khác xa xôi, nhưng Mỹ được xem có vai trò quan trọng trong môi trường chính trị Đông Á. Nhiều quốc gia trong khu vực cho rằng, sự hiện diện của Mỹ sẽ tạo ra đối trọng với Trung Quốc và quan trọng là kiềm chế được những tuyên bố cùng hành động của “người khổng lồ châu Á” liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - không hề muốn việc “khách mời” bỗng nhiên đề cập đến việc tranh chấp ở Biển Đông trên bàn nghị sự của EAS, càng không muốn Washington can thiệp vào vấn đề này, trong khi Bắc Kinh khăng khăng muốn đàm phán song phương.
Cũng như Mỹ, lãnh thổ Nga không thuộc Đông Á nhưng có chung biên giới với các nước trong khu vực này. Vì vậy, an ninh, an toàn, ổn định của Đông Á không thể tách rời Mátxcơva, nhất là khi Điện Kremlin có kế hoạch phát triển mạnh vùng Siberia và Viễn Đông.
Cả Mỹ lẫn Nga khi chính thức tham gia EAS đều có mục tiêu lợi ích riêng. Song, cả hai nhà lãnh đạo của 2 quốc gia lớn này đều không thể phủ nhận sự liên kết của Đông Á và thậm chí còn muốn thúc đẩy điều này, xem đây là khu vực kinh tế năng động nhất toàn cầu. ASEAN và Đông Á đang và sẽ hội tụ những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập đa phương để tiến những bước đi vững chắc.
VĨNH AN