.
Thế giới tuần qua

“Phương thuốc” cho châu Âu

.
Hy Lạp tạm vượt qua khủng hoảng khi hủy bỏ cuộc trưng cầu dân ý về gói cứu trợ mới nhất của quốc tế. Tuy nhiên, số phận của quốc gia này với gói giải cứu 130 tỷ euro vẫn treo lơ lửng vì đang phải loay hoay với một Chính phủ mới.

Mô tả ảnh.
Thủ tướng Hy Lạp biểu quyết trong cuộc lấy tín nhiệm tại Quốc hội.Ảnh: Reuters
 
“Phương thuốc” cho Hy Lạp cũng sẽ là “phương thuốc” cho cả châu Âu. Song, đây là phương thuốc quá khó, nhất là khi Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại thành phố Cannes (Pháp) - vốn được xem là cứu cánh cho Hy Lạp - đã thất bại bởi chỉ đưa ra được những cam kết chung chung. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn dùng Hội nghị G20 lần này để huy động sự ủng hộ của quốc tế đối với kế hoạch cứu trợ tài chính của châu Âu. Nhưng nỗ lực của 2 nhà lãnh đạo hàng đầu trong tiến trình giải quyết khủng hoảng nợ đã không mang lại sự tưởng thưởng nào.
 
G20 không đưa ra những con số cụ thể, cũng không quốc gia nào chịu mở hầu bao cho Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF). Thực tế, Hy Lạp không phải là thành viên của nhóm G20, nhưng “cú sốc” trưng cầu dân ý được Thủ tướng George Papandreou công bố vào tuần trước đã gây chấn động. Hy Lạp phá sản thì có thể đến lượt Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... Đương nhiên, châu Âu không muốn Hy Lạp như “quả bóng xì hơi” để rồi bị đưa ra khỏi khu vực đồng euro, nhưng giải cứu Athens lại là sứ mệnh không đơn giản.

Báo chí Hy Lạp gọi kết quả bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vào ngày 4-11 là thỏa thuận mở đường cho một Chính phủ mới không có sự tham gia của ông Papandreou. Tương lai chính trị của nhà lãnh đạo này đang bấp bênh khi uy tín của ông giảm mạnh. Ngày 6-11, lãnh đạo đảng đối lập chính - Đảng Dân chủ mới Antonis Samaras đã gặp gỡ Tổng thống Karolos Papoulias để bàn thảo về vấn đề này. Ông Samaras từ chối tham gia vào Chính phủ thống nhất quốc gia theo đề xuất của Thủ tướng Papandreou, đồng thời mô tả các động thái của người đứng đầu Chính phủ là nguy hiểm cho Hy Lạp và kêu gọi bầu cử ngay lập tức. Tuy nhiên, Thủ tướng Papandreou nói rằng, bầu cử phải đợi gói thỏa thuận giải cứu mang tính sống còn của Liên minh châu Âu (EU) được thông qua. Trong khi đó, thăm dò dư luận cho thấy người dân Hy Lạp thích giải pháp Chính phủ thống nhất quốc gia với các cuộc bầu cử sớm.

“Đồng thuận là giải pháp duy nhất”, Tổng thống Papoulias đã kêu gọi như vậy khi chủ trì cuộc họp bàn về Chính phủ liên minh. Nhưng việc đạt được sự đồng thuận trong nội bộ Hy Lạp, hình thành Chính phủ mới, lấy được gói cứu trợ, khôi phục niềm tin của thị trường tài chính toàn cầu đều là những thách thức lớn cho cả Athens lẫn một châu Âu già cỗi.

Thành phố Cannes của Pháp đã không còn là nơi hứa hẹn với Hy Lạp nữa. Châu Âu không thể không bất an với một tương lai mong manh của Athens. Trung Quốc được xem là vị cứu tinh của châu Âu bày tỏ tin tưởng rằng, khu vực đồng euro sẽ có thể vượt qua khủng hoảng nợ và sự ổn định tại nơi đây đóng vai trò quan trọng với sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Nhưng động thái và điều kiện của Trung Quốc như thế nào đối với người bạn hàng lớn nhất thì vẫn chưa rõ. 

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.