.
Thế giới tuần qua

Syria trong thế đối đầu

.
Các nước Arab có kế hoạch cắt quan hệ thương mại với Chính phủ Syria và “đóng băng” các tài khoản sau khi Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad phớt lờ tối hậu thư của Liên đoàn Arab (AL) về việc cho phép các quan sát viên đến Damascus.

Mô tả ảnh.
Những người ủng hộ Tổng thống Assad biểu tình phản đối quyết định của Liên đoàn Arab tại Damascus. Ảnh: AP
 
Theo đó, AL sẽ phong tỏa các quỹ thuộc Chính phủ Syria; ngừng giao dịch thương mại, trừ những mặt hàng thiết yếu với người dân; hủy giao dịch tài chính với Chính phủ và với Ngân hàng Trung ương; ngừng những chuyến bay thương mại đến quốc gia này. Các quan chức cấp cao của Syria cũng bị cấm nhập cảnh các nước Arab. 

Syria đang rơi vào thế khó khi vừa đối đầu với quốc tế, vừa đối mặt với nguy cơ nội chiến. Reuters cho rằng, các biện pháp trừng phạt của AL sẽ khiến Syria rơi vào khủng hoảng kinh tế và bị cô lập trong khu vực. Kinh tế Syria vốn quay cuồng trong những tháng bất ổn, nhất là khi Mỹ và châu Âu trừng phạt đối với việc xuất khẩu dầu mỏ và một số doanh nghiệp Nhà nước của Damascus. Ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ, nước láng giềng và là đồng minh cũ không thuộc AL, cũng quay sang chống đối Tổng thống Assad. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ mô tả con đường hiện tại mà Syria đang đi sẽ khiến nước này bị quốc tế cô lập.

Tuy nhiên, trong dự thảo trừng phạt của AL bộc lộ sự thiếu nhất quán giữa các nước bởi không phải quốc gia Arab nào cũng ủng hộ việc trừng phạt Syria. Theo Ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari, quyết định trừng phạt Syria là “không thể chấp nhận được”. Lebanon cũng có tuyên bố tương tự Iraq.

Syria lập luận rằng, việc mời quan sát viên đến nước này để theo dõi diễn biến bất ổn chẳng khác gì “mời sự can thiệp từ bên ngoài”. Theo các nhà chức trách Syria, tất cả các bên đều sẽ bị phương hại, chứ không riêng gì Damascus nếu áp đặt cấm vận. Ngoại trưởng Syria Walid Muallem cáo buộc AL “thọc tay” vào nội bộ nước mình và “quốc tế hóa” cuộc khủng hoảng tại nơi đây. Nga lên tiếng cảnh báo các biện pháp trừng phạt có thể phản tác dụng và khẳng định điều Syria cần nhất lúc này là khôi phục đối thoại chính trị trong nước.

Kể từ tháng 3 vừa qua, các cuộc biểu tình trên khắp đất nước Syria đã diễn ra nhằm yêu cầu Tổng thống Assad từ chức và tiến hành bầu cử dân chủ. Tuy nhiên, lật đổ ông Assad không dễ. Ý tưởng “vùng cấm bay” trên bầu trời Syria - kịch bản tương tự Libya - cũng không thể xuất hiện ngay lập tức trong khi Nga vẫn phản đối bất kỳ sự can thiệp của nước ngoài vào nội bộ Damascus. Liên minh châu Âu cũng chưa thống nhất về “vùng cấm bay” do Pháp đề xuất, mặc dù bên muốn “thọc tay” vào Syria mặc sức mô tả đây là “hành lang an toàn” để chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự khi cần thiết. Trong lúc đó, bất chấp biểu tình kéo dài, Tổng thống Assad vẫn không hề nao núng. Ông vẫn tin rằng, Chính phủ của mình có đủ sức đương đầu với biểu tình và bất ổn trong nước nếu không có “bàn tay sắt” từ bên ngoài.

Từ chối “cơ hội cuối cùng” của AL đặt ra, Syria phải xoay xở trong thế đối đầu nhưng không mong manh như Tunisia hay Ai Cập. Nếu 22 nước thành viên AL bỏ phiếu thông qua dự thảo trừng phạt Syria, đây sẽ là “cú sốc” lớn, càng đặt Damascus vào thế khó. Song, có thể vẫn còn sớm để phác họa chắc chắn bức tranh cho quốc gia của ông Assad, nhưng sẽ không muộn và sẽ là giải pháp tốt nhất nếu Syria tự mình xoa dịu làn sóng bất ổn, giải quyết dứt điểm khủng hoảng.

VĨNH AN
 
;
.
.
.
.
.