.

Thủ tướng Hy Lạp vượt qua bỏ phiếu tín nhiệm

.

(ĐNĐT) - Đêm 4-11, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sau khi ông hứa sẽ tổ chức một cuộc đàm phán chia sẻ quyền lực.

Mô tả ảnh.
Thủ tướng George Papandreou (phải) và Bộ trưởng Tài chính Evangelos venizelos vỗ tay sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội Hy Lạp, Athens. Ảnh: Reuters
Ông Papandreou đã vượt qua cuộc bỏ phiếu với số phiếu 145/153, sau khi ông có bài phát biểu trước Quốc hội mà trong đó, ông hứa sẽ thành lập một chính phủ liên hiệp. Ông đã loại trừ bầu cử chớp nhoáng và cho rằng đó có thể là một thảm họa.

Thủ tướng Papandreou cho biết, ông không quan tâm về chiếc ghế của mình và việc lãnh đạo bất kỳ chính phủ liên hiệp nào có thể thương lượng được.

Ông Papandreou nói: “Tôi đã có tiếp xúc với tổng thống và tôi sẽ đến gặp ông ngay ngày mai (5-11) để báo cho ông về ý định của mình và tôi sẽ tiếp tục với tất cả các đảng cho việc hình thành một chính phủ liên hiệp rộng lớn hơn, cũng như đồng ý về các mục tiêu chung, một khung thời gian và con người, để đồng ý về thành phần của chính phủ và thậm chí là người đứng đầu liên minh. Vì vậy, tôi yêu cầu một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nhằm bảo đảm cho sự an ninh của đất nước này”.

Cuộc bỏ phiếu đã diễn ra sau vài giờ tranh cãi. Ông Papandreou đã có bài nói chuyện với Quốc hội trong hơn nửa giờ.

Hàng nghìn người biểu tình đã tập trung tại quảng trường Syntagma tại Athens. Anh ninh được thắt chặt chung quanh tòa nhà Quốc hội.

Cuộc bỏ phiếu được định vào thời gian mà các thị trường châu Âu và Mỹ đã đóng cửa do tính nhạy cảm của vấn đề.

Trước đó, ông Papandreou đã gây sốc cho EU và làm thị trường đi vào cảnh rối loạn sau khi ông kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý đối với thỏa thuận giải cứu của EU dành cho Hy Lạp.

Ông cho rằng, thỏa thuận giải cứu do EU đưa ra và nó phải được chấp nhận, và sẽ là “một sự vô trách nhiệm trước lịch sử” nếu để mất nó.

Vào đêm 3-11, ông đã gọi thỏa thuận giải cứu EU là “một sự thay đổi lớn lao, có lẽ là gói giải cứu cuối cùng để tái thiết đất nước với những nền tảng mới và mạnh mẽ”.

Các lãnh đạo khu vực euro sợ rằng, sự thất bại trong việc giải quyết vấn đề nợ Hy Lạp có nguy cơ lan rộng sang các nền kinh tế dễ tổn thương khác, đặc biệt là Ý.

Quang Hiển (theo BBC, CNN)
;
.
.
.
.
.