(ĐNĐT) - Thủ tướng Ý, Silvio Berlusconi chính thức từ chức như đã hứa, kết thúc sự nghiệp lâu dài trên chính trường Ý trong bối cảnh bất ổn định.
Người dân tụ tập trước dinh tổng thống Ý, với biểu ngữ “tạm biệt Silvio”, reo mừng khi nghe tin ông Berlusconi từ chức, tối ngày 12-11-2011 (Ảnh: Reuters) |
Năm nay 75 tuổi, từng có 3 nhiệm kỳ thủ tướng và là một nhân vật kiệt xuất trong kinh doanh, ông Berlusconi cho biết, ông không có ý định ứng cử nếu một cuộc bầu cử mới được tổ chức.
Berlusconi từ chức ngay 12-11, chỉ sau vài giờ Hạ viện Ý thông qua các biện pháp cắt giảm nhằm lấy lại niềm tinh trong nền kinh tế của nước này.
Bên ngoài dinh tổng thống, những đám đông đã reo hò vui mừng, phất cờ Ý, nhảy múa và hát bài quốc ca khi có thông báo về việc từ chức của ông Berlusconi.
Kể từ khi bước vào chính trường đến nay đã được hai mươi năm, ông Berlusconi được mô tả là một người "sống sót" vĩ đại của nước này, từng trải qua 50 cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, đối mặt với vô số các phiên tòa, bị kết tội từ biển thủ đến chơi bời trác táng nhưng chưa bao giờ phải ngồi tù vì các lời buộc tội đó.
Hôm thứ Ba vừa qua, ông đã không có được đa số trong cuộc bỏ phiếu và ông hứa sẽ từ chức sau khi các biện pháp tiết giảm được cả hai viện của quốc hội Ý thông qua.
Hạ viện Ý thông qua gói các biện pháp tiết giảm
Cũng vào hôm qua, Hạ viện Ý đã thông qua hàng loạt các biện pháp tiết giảm do EU yêu cầu nhằm lấy lại niềm tin trong nền kinh tế của đất nước, với 380 phiếu thuận và 26 phiếu chống.
Sự ra đi của ông Berlusconi để cứu vãn nền kinh tế Ý đang khủng hoảng (Ảnh: Reuters) |
Các biện pháp cắt giảm chi tiêu với mong muốn sẽ tiết kiệm được 59,8 tỷ euro, gồm một loạt các biện pháp cắt giảm ngân sách, tăng thuế nhằm tạo ra sự cân bằng ngân sách vào năm 2014.
Trong các biện pháp cắt giảm, thuế VAT tăng từ 20 lên 21%, đóng băng lương bổng khu vực công cho đến năm 2014, nâng dần tuổi hưu cho phụ nữ tại khu vực công từ 60 vào năm 2014 sẽ lên 65 vào năm 2026, bằng tuổi nghỉ hưu của nam giới, đẩy mạnh chống trốn thuế, hạn chế giao dịch tiền mặt ở mức 2.500 euro mỗi lần.
Bên cạnh các biện pháp trên, chính phủ sẽ tư nhân hóa các công ty nhà nước và bán các tài sản nhà nước, tự do hóa một số ngành nghề, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, áp đặt một mức thuế tiêu thụ đặc biệt lên khu vực năng lượng.
Là nền kinh tế lớn thứ tư tại châu Âu, một sự đổ vỡ tại Ý sẽ có tác động lớn lao đến các thị trường toàn cầu. Hiện Ý là nhà phát hành trái phiếu lớn nhất châu Âu, trị giá 1,9 nghìn tỷ euro, chiếm tới hơn 120% GDP.
Ngoài ra, hơn hai thập niên tăng trưởng ốm yếu, Ý đang nằm ở tâm điểm của cuộc khủng hoảng nợ khu vực euro và gánh nợ này là quá lớn khối này không thể giải cứu.
Việc ra đi của ông Berlusconi sẽ mở đường cho Tổng thống Giorgio Napolitano có thể bổ nhiệm một chính phủ mới gồm các nhà kỹ trị hoặc kêu gọi một cuộc bầu cử mới vào đầu năm 2012.
Tuy nhiên, việc Tổng thống Giorgio Napolitano chỉ định ông Mario Monti làm dân biểu suốt đời, có thể đồng nghĩa với việc ông sẽ đặt ông vào vị trí thay thế ông Berlusconi và lãnh đạo một chính phủ mới để đưa đất nước vượt qua khủng hoảng.
Ông Monti, một nhà kinh tế đáng kính, chính xác là mẫu người mà các thị trường tiền tệ cần tìm để lãnh đạo trong giai đoạn khủng hoảng này, ông còn được nhiều phía ủng hộ.
Phát ngôn viên Tổng thống Napolitano, Donato Marra cho biết, hôm nay, 13-11, Tổng thống sẽ tham vấn các lãnh đạo chính trị về việc thành lập chính phủ mới, đồng thời đề nghị ông Berlusconi hãy giữ nguyên quyền lực cho đến khi làm tròn bổn phận của mình trước khi ra đi.