.

10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2011

.

ĐNĐT) - 2011 là năm xảy ra rất nhiều sự kiện trên thế giới, từ "mùa xuân A Rập", thảm họa kép động đất, sóng thần ở Nhật Bản, khủng hoảng tài chính châu Âu đến cái chết của trùm khủng bố bin Laden.

Dưới đây là 10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2011 theo bình chọn của tạp chí TIME.

1. "Mùa xuân Ả Rập" ở Ai Cập và Tunisia

1.jpg
Biểu tình kêu gọi kết thúc chế độ của Mubarak tại quảng trường Tahrir, thủ đô Cairo, Ai Cập,  ngày 1-2-2011. Ảnh: TIME

Từ vụ  một thanh niên tự thiêu trên đường phố Sidi Bouzid của Tunisia, sự việc đã trở thành một sự phẫn nộ của dân chúng đối với chế độ độc tài đang lan khắp khu vực. Trong vòng vài tuần, từ phản kháng của thanh niên này, thông qua các phương tiện truyền thông, bằng các trang mạng xã hội như Twitter, Facebook, đã làm dấy lên một cuộc cách mạng và nhanh chóng lan sang khắp khu vực Trung Đông. Ngày 14-1, Tổng thống Ben Ali đã bị phế truất. Cuộc cách mạng tại Tunisia đã truyền cảm hứng sang các nước trong khu vực.

25-1 đã trở  thành Ngày nổi dậy tại Ai Cập khi hàng nghìn người tập trung trên đường phố và trọng tâm là  Quảng trường Tahrir, thủ đô Cairo để biể tình chống chế độ của ông Hosni Mubarak và ngày 11-2, ông Mubarak phải từ chức sau ba thập niên cầm quyền. Đến 27-11, người dân Ai Cập lần đầu tiên đi bầu cử một cách dân chủ sau nhiều thập niên để bầu ra một chính phủ dân sự mới.

2. Cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden

2.jpg
Một người biểu tình Ai Cập cầm bức ảnh của trùm khủng bố al Qaeda, Osama bin Laden. Ảnh: AP

Ngày 1-5-2011, Tổng thống Mỹ, Barack Obama tuyên bố trên truyền hình từ Nhà Trắng, rằng Osama bin Laden đã bị phát hiện và đã chết.

Bin Laden đã bị theo dõi tại Abbottabad, cách thủ đô Islamabad của Pakistan không xa. Biệt kích hải quân Mỹ đã đơn phương tiến hành tấn công vào sào huyệt này. Xác Bin Laden được chôn theo thể  thức của đạo Hồi và thả xuống biển.

Vụ việc cũng đã tạo ra phản ứng từ Pakistan, ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh với Mỹ. Trong khi đó, Quốc hội Mỹ nêu trách nhiệm của lãnh đạo Pakistan trong va trò chống khủng bố và tình nghi tình báo Pakistan đã che giấu cho trùm khủng bố trong một thời gian dài, đồng thời kêu gọi cắt viện trợ cho Pakistan.

3. Thảm họa kép tại Nhật Bản

3.jpg
Hàng trăm người Nhật trú ẩn trong một nhà tập luyện thể thao, ngày 14-3-2011. Ảnh: TIME

Với cường độ 9 độ Richter, trận động đất gây nên cơn sóng thần tàn phá dữ dội nhất trong lịch sử nhân loại và Nhật Bản. Vụ động đất mạnh đến nỗi đã làm lệch trục quả đất và  cơn sóng thần của nó tạo ra tại bờ biển đông bắc Nhật Bản được các chuyên gia NASA vừa phát hiện qua các ảnh vệ tinh là “sóng thần kép”. 

Thảm họa kép đã làm hơn 16.000 người chết và mất tích, cùng với khủng hoảng hạt nhân từ nhà máy điện Fukushima Daiichi trở thành sự cố hạt nhân lớn nhất kể từ sự cố Chernobyl cách đây 25 năm.

Nhật Bản đã chịu tổn thất hàng trăm tỷ USD từ thảm họa này. Hàng chục nghìn người đến nay còn vẫn đang sống tại các lều tạm do phải di dời khỏi vùng phóng xạ từ nhà máy điện Fukushima.

4. Khủng hoảng tài chính châu Âu

4.jpg
 Cựu thủ tướng Silvio Berlusconi (giữa). Ảnh: Corbis

Hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu, đặc biệt là Hy Lạp buộc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) phải áp dụng gói giải cứu. Đáp lại, các chính phủ Hy Lạp, Ý buộc phải áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng.

Cuộc khủng hoảng dẫn đến sự ra đi của Thủ tướng George Papandreou của Hy Lạp và Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi.

Khủng hoảng còn đe dọa đến cơ cấu của Liên minh châu Âu và đe dọa giải tán đồng tiền chung euro. Một số nước như Đức, Pháp còn đề nghị  xem xét việc cơ cấu lại liên minh này.

5. Chế độ cầm quyền của Gaddafi sụp đổ

5.jpg
Lực lượng của ông Gaddafi tại Ras Lanuf, Libya. Ảnh: TIME

Chế độ cầm quyền độc tài kéo dài 4 thập niên của Đại tá Gaddafi đã chính thức kết thúc vào ngày 20-10-2011.

Vào đầu tháng 3, các cuộc biểu tình do ảnh hưởng từ làn sóng biểu tình tại các nước láng giềng Ai Cập và Tunisa đã lan sang Libya, các phiến quân du kích Libya đã nổi dậy chống lại lực lượng của ông Gaddafi, và Liên Hiệp Quốc đã vào cuộc.

Tháng 3-2010, LHQ đã ban hành một nghị quyết mở đường cho NATO can thiệp quân sự vào Libya và NATO chính thức bắt đầu các chiến dịch quân sự vào tháng 4.

Ngày 20-10, ông Gaddafi đã bị phe nổi dậy bắt giữ và bắn chết, xác của ông đặt tại một cửa hàng thịt ở Misrata và sau đó được bị mất chôn trong sa mạc.

6.Biểu tình đầy chết chóc tại Syria và Yemen

6.jpg
Một người biểu tình Yemen. Ảnh: TIME

Các cuộc biểu tình lấy cảm hứng từ Ai Cập và Tunisia đã không diễn với kết cục lật đổ được chế độ cầm quyền tại Syria và Yemen.

Bạo lực đã diễn ra kéo dài, Syria đã bị cáo buộc đàn áp người biểu tình, buộc các nước phương tây triệu hồi đại sứ, áp đặt lệnh trừng phạt. Tổng thống Syria, Assad bị cáo buộc tội chống lại loài người. Khoảng 2.000 người biểu tình bị sát hại trong các cuộc biểu tình và chống biểu tình đẫm máu của chính phủ  Syria.

Theo ước tính của LHQ, khoảng 3.500 người đã bị  giết hại buộc Liên đoàn Ả Rập đã yêu cầu chấm dứt ngay lập tức tình trạng thù địch và áp đặt các biện pháp trừng phạt Syria.

Tại Yemen, sau 10 tháng cố vị bất chấp các cuộc biểu tình bạo lực, Tổng thống Abdullah Saleh ngày 23-11 đã ký thỏa thuận chuyển giao quyền lực - một quyết định được cộng đồng quốc tế hoan nghênh. Theo nội dung của thỏa thuận, do Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh đề xuất, ông Abdullah Saleh sẽ trao quyền cho Phó Tổng thống Mansour Hadi, bản thân ông Abdullah Saleh và gia đình được quyền miễn truy tố.

7. Nạn đói vùng Sừng Châu Phi

7.jpg
Một phụ nữ  Somali không nhà cửa. Ảnh: Getty

Vùng Sừng Châu Phi dường như là một trong những khu vực bất  ổn triền miên nhất thế giới, với các cuộc bạo lực, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và chính phủ Somali yếu ớt tại Moghadishu.

Đợt hạn hán khủng khiếp nhất trong vòng 60 năm qua đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tại khu vực này.

Vào tháng 7, LHQ tuyên bố hầu hết miền nam Somali nằm trong nạn  đói. 30% dân số bị suy dinh dưỡng, hàng trăm nghìn người Somali đói kém phải vào sống trong các trại tập trung tại biên giới Kenya.

Giới chức LHQ thận trọng khi đưa ra con số chính xác người chết do nạn đói gây ra, ước tính có chục nghìn người đã chết ở nước này.

8. Thảm sát trên đảo Utoya, Na Uy

8.jpg
Thân nhân của các nạn nhân bị Anders Behring Breivik sát hại có một phút mặc niệm ở nơi nhìn sang đảo Utoya, ngày 25-7-2011. Ảnh: AP

Vào ngày 22-7, Na Uy đã trải qua một vụ bạo lực tồi tệ nhất kể  từ chiến tranh thế giới thứ II. Tại Oslo, một bom xe đã phát nổ gần tòa nhà chính phủ, làm chết 8 người. Sau đó vài giờ, thủ phạm của vụ đánh bom đã lên một hòn đảo Utoya, nơi có  trại hè của thanh niên do Đảng Lao động trung tả  tổ chức và xả súng làm chết 69 người.

Thủ phạm của vụ xả súng và đánh bom là Anders Behring Brevik, một thanh niên 32 tuổi người Na Uy và là  người cuồng tín theo phái cực hữu, trước đó từng đưa lên mạng một bản tuyên ngôn đầy sự thù  ghét những người nhập cư, đa dạng văn hóa và  thiên tả.

Brevik sau đó đã nhận tội nhưng vẫn nói là mình thi hành vì nghe lời phán quyết của Chúa trời. Một ban điều tra đã đi đến kết luận y bị chứng tâm thần phân liệt và được tuyên bố vô tội. Phán quyết của tòa án đưa y vào viện tâm thần và không phải ở tù.

9. Giấc mơ của Palestine bị trì hoãn

9.jpg
Người dân Palestine tuần hành tại Bethlehem. Ảnh: Corbis

Khi tiến trình hòa bình Trung Đông đi vào chỗ hấp hối, thì lãnh đạo chính quyền Palestine trong năm nay đã chọn cách nộp  đơn trực tiếp lên LHQ để xin thành lập nhà nước. Qua nhiều tháng tiến hành, vào tháng 9, Đại hội đồng LHQ, Israel và giới chức Mỹ đã cảnh báo chống lại động thái này, cho rằng, việc công nhận nhà  nước Palestine chỉ đạt được bằng cách thông qua thương lượng trực tiếp với Israel. Tuy nhiên, phía Palestine cho rằng, chính phủ cánh hữu hiện nay của Israel của Thủ tướng Benjamin Netanyahu tỏ ra ít có xu hướng đạt được một nền hòa bình chính thức và  đặc biệt là vẫn tiếp tục mở rộng khu định cư của người Israel tại Bờ Tây và Đông Jerusalem.

Ngày 31-10, Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học LHQ (UNESCO) đã chính thức công nhận thành viên chính thức của Palestine, một động thái giúp Palestine đến gần hơn với mục tiêu của mình. Phản ứng trước động thái này, Mỹ đã cắt nguồn kinh phí đóng góp cho Unesco trị giá 60 triệu USD.

10. Cuộc tuyệt thực của Anna Hazare

10.jpg
Một người ủng hộ  nhà hoạt động xã hội Ấn Độ, Anna Hazare cầm bức ảnh của ông vào ngày thứ 9 tuyệt thực tại vùng Ramlila, New Delhi, ngày 24-8-2011. Ảnh: Reuters

Tại  Ấn Độ, một hành động gây chú ý nhất đã xảy ra, nơi liên minh cầm quyết của đất nước đã bị chỉ trích nặng nề bởi hàng loạt các vụ án tham nhũng liên quan đến một số các nhà chính trị hàng đầu.

Nhà hoạt  động xã hội Anna Hazare, 74 tuổi, đã tiến hành một loạt các cuộc tuyệt thực để phản đối nạn hối lộ mà những người ủng hộ ông cho là tràn lan khắp các giai tầng xã hội Ấn  Độ.

Các cuộc tuyệt thực của Hazare đã dấy lên làn sóng biểu tình lớn lao trên khắp các thành phố lớn của Ấn  Độ và đã gây áp lực lên chính phủ để thành lập một ủy ban điều tra độc lập có khả năng điều tra giới chính trị ưu tú trong xã hội Ấn Độ, kể cả thủ tướng, và đưa những kẻ tham nhũng ra công lý.

Dự luật chống tham nhũng, mà các nhà phê bình sợ  là có thể làm xói mòn nền dân chủ mạnh mẽ mặc dù chưa hoàn thiện của Ấn Độ bằng việc nó dưới một cơ quan không được bầu cử, đang được tranh luận tại quốc hội. Tuy nhiên, sự ủng hộ mạnh mẽ, đặc biệt từ giới trung lưu phất lên nhanh của Ấn Độ đối với Hazare là dấu hiệu của sự tuyệt vọng đang gia tăng và khát vọng của những người dân trong nền dân chủ lớn nhất thế giới này.

ĐNĐT

;
.
.
.
.
.