.

Canada rút khỏi Nghị định thư Kyoto

.

Thỏa thuận về lộ trình chống biến đổi khí hậu tại thành phố Durban của Nam Phi chưa kịp ráo mực thì vấp phải sự rút lui của Canada, nước sản xuất năng lượng lớn.

Bộ trưởng Môi trường Canada Peter Kent tại Hội nghị khí hậu ở Durban.            Ảnh: AFP
Bộ trưởng Môi trường Canada Peter Kent tại Hội nghị khí hậu ở Durban. Ảnh: AFP

Canada trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố sẽ rút khỏi Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu. Năm ngoái, cùng với Nhật Bản và Nga, Canada cũng tuyên bố không chấp nhận các cam kết Kyoto mới. Song, động thái rút lui lần này là đòn giáng mạnh vào thỏa thuận toàn cầu tại Durban vốn gây nhiều tranh cãi và không dễ dàng đạt được.

Hãng Reuters dẫn lời Bộ trưởng Môi trường Peter Kent cho rằng, Nghị định thư Kyoto không nhằm vào 2 nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc, nên không thể có hiệu quả. Văn bản cũng không phải là lộ trình phía trước đối với một giải pháp toàn cầu về biến đổi khí hậu và Canada sẽ không phải bị xử phạt khi không đáp ứng những mục tiêu đề ra. Căn cứ theo Nghị định thư, năm 2012, Canada phải cắt giảm khí thải với mức 6% của năm 1990. Theo Chính phủ trung hữu Bảo thủ của Thủ tướng Stephen Harper, phí phạt lên đến 13,6 tỷ USD. Ông Kent nói rằng, đáp ứng những mục tiêu theo Nghị định thư Kyoto năm 2012 đồng nghĩa với việc loại bỏ tất cả xe tải, xe địa hình, máy kéo, xe cấp cứu, xe cảnh sát và các phương tiện khác ra khỏi mọi loại đường phố ở Canada.

Quyết định của Chính phủ Ottawa được đưa ra sau khi các quan chức nước này từ Durban trở về. Tại Durban, gần 200 nước đã thống nhất mở rộng Nghị định thư Kyoto thêm 5 năm và đưa ra một thỏa thuận mới lần đầu tiên buộc tất cả các quốc gia gây ô nhiễm lớn phải hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo đó, giai đoạn đầu của Kyoto thay vì hết hạn vào năm 2012 sẽ được kéo dài đến năm 2017. Canada cho rằng, Nghị định thư Kyoto vốn được thông qua tại Kyoto (Nhật Bản) vào năm 1997 nhằm chống lại sự ấm nóng toàn cầu không mang tính khả thi và không giúp giải quyết khủng hoảng khí hậu. Phát biểu tại thành phố Toronto của Canada, ông Kent nhấn mạnh: “Kyoto là quá khứ đối với Canada, và chúng tôi đang kêu gọi quyền hợp pháp để rút khỏi Kyoto”. Ông Kent cũng sẽ chính thức đệ trình lên Liên Hợp Quốc về ý định này. Song, người đứng đầu ngành Môi trường này đã không công bố chi tiết về thời điểm Ottawa rút khỏi Hiệp ước.

Hãng AP cho biết, tuyên bố của Chính phủ Ottawa không gây ngạc nhiên. Trong suốt thời gian diễn ra các cuộc thương thảo tại Durban, Canada đã im lặng mặc dù đối mặt với chỉ trích của quốc tế khi có những đồn đoán rằng, nước này sẽ rút khỏi Nghị định thư Kyoto. Ông Kent thậm chí cho rằng, việc ký Nghị định thư là một trong những sai lầm lớn nhất của Chính phủ tiền nhiệm.

Cũng theo ông Kent, Canada sẽ thúc đẩy một thỏa thuận toàn cầu mới, buộc tất cả các nước lớn phải cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ không bị ràng buộc bởi các mục tiêu hiện tại của Kyoto. Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Harper không muốn dính vào các cam kết của Kyoto để tránh bị tê liệt về kinh tế và năng lượng.

Canada là nhà dự trữ dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, với hơn 170 tỷ thùng. Sản lượng hằng ngày đạt 1,5 triệu thùng dầu và dự kiến đến năm 2015 sẽ tăng lên 3,7 triệu thùng. Năng lượng lớn cùng với nước dùng trong quá trình khai thác được cho là làm gia tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ông Kent cho hay, Canada chỉ tạo ra 2% khí thải toàn cầu và Chính phủ tiền nhiệm đã ký Nghị định thư Kyoto vào năm 1997 mà không suy nghĩ đến việc đáp ứng các mục tiêu.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.