.

EU đồng ý thỏa thuận giải cứu khu vực euro

.

(ĐNĐT) - Ngày 9-12, 17 quốc gia sử dụng đồng euro cùng với 6 đối tác của EU đã đồng ý một thỏa thuận  đầy tham vọng liên kết tài chính với nhau với hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, ngoại trừ Anh, nước phản đối và sự việc đã tạo một sự rạn nứt sâu sắc trong liên minh.

Trong một bản dự thảo một hiệp ước mới, 23 nước hy vọng sẽ giúp đỡ các quốc gia châu Âu đang vật vã với những món nợ khổng lồ. Một hiệp ước như vậy được coi là cần thiết trước khi Ngân hàng trung ương châu Âu, ECB và các định chế khác cam kết thêm tiền nhằm hạ thấp chi phí vay đang đè nặng lên các nước lâm nợ như Ý và Tây Ban  Nha.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tại hội nghị EU ở Brussels ngày 9-12. Ảnh: AP

Chủ  tịch ECB, Mario Draghi phát biểu tại Brussels: “Đó  là một kết quả tốt cho khu vực euro. Đó sẽ là một nền tảng cho một chính sách kinh tế khắt khe hơn nhiều đối với các thành viên khu vực euro. Thỏa thuận này chắc chắn sẽ rất hữu ích trong tình hình hiện nay”.

Sau khi có  tin tức này, thị trường chứng khoán và đồng euro đã tăng lại. Chỉ số Stoxx 50 của các cổ phiếu hàng đầu châu Âu và các Dow Futures đã tăng 0,7%, đồng euro đã tăng 0,5%, đạt 1,3413 USD/1 euro.

Trong khi thỏa thuận có thể giúp cứu đồng euro, các rạn nứt về chính trị lại mở rộng ra. Đức và Pháp từng hy vọng thuyết phục 27 thành viên EU đồng ý thay đổi hiệp ước chi phối liên minh, trong khi Anh, nước không sử dụng đồng euro, lại phản đối. Hungary, Cộng hòa Séc và Thụy Điển cho biết họ đang lưỡng lự, mặc dù thủ tướng Thụy Điển cho biết có thể không tham gia.

Lãnh đạo Anh tranh cãi rằng, hiệp ước sửa đổi sẽ đe dọa chủ quyền quốc gia của họ và phá hủy nền công nghiệp dịch vụ tài chính đáng kính của London. Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất khu vực euro đã nói rõ rằng thà có một thỏa thuận của 17 nước euro và bất kỳ nước nào khác tham gia vẫn tốt hơn là không có gì cả.

Tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy đã công kích Thủ tướng Anh, David Cameron rằng: “David Cameron đã có đề xuất mà dường như chúng ta không thể chấp nhận được. Một nghị định thư cho hiệp ước vốn sẽ miễn nhiệm cho Anh khỏi một loạt các quy định dịch vụ tài chính.”

Thỏa thuận sẽ cho phép một cơ quan trung ương của châu Âu có quyền can thiệp mà trước đây chưa từng có vào các nguồn ngân sách của các quốc gia.

Các chính phủ tham gia sẽ cần phải có một nguồn ngân sách cân bằng, ngân sách này được tính toán với một mức thâm hụt cấu trúc không lớn hơn 0,5% GDP và sẽ phải sửa đổi hiến pháp để bao quát các yêu cầu như vậy. Một “cơ chế trừng phạt tự động” không cụ thể sẽ phải trừng phạt các nước vi phạm các luật lệ này.

Hơn nữa, các quốc gia có thâm hụt ngân sách lớn hơn 3% sẽ đối diện với sự trừng phạt. Để ngăn chặn những thâm hụt đó, các quốc gia sẽ phải gởi ngân sách quốc gia của họ cho Ủy ban Châu Âu, cơ quan có quyền yêu cầu các nước đó xét duyệt lại. Các quốc gia còn phải báo cáo trước họ sẽ dự định vay bao nhiêu.

Lãnh đạo các nước còn phải họp để tiếp tục đưa ra chi tiết về hiệp ước liên chính phủ, kể cả chỉ rõ cách mà những nước vi phạm sẽ bị xét xử. Họ muốn hiệp ước ra đời vào tháng Ba tới.

Quang Hiển (theo BBC, AP)

;
.
.
.
.
.