.

EU phớt lờ Anh

.

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang thúc đẩy một thỏa thuận thắt chặt ngân sách trong khu vực đồng euro vào tháng 3 tới mà không cần sự tham gia của Anh.

Các sinh viên giăng biểu ngữ “Không vay tiền” ở bên ngoài trụ sở của Ủy ban châu Âu tại Brussels (Bỉ). 							               Ảnh: Reuters
Các sinh viên giăng biểu ngữ “Không vay tiền” ở bên ngoài trụ sở của Ủy ban châu Âu tại Brussels (Bỉ). Ảnh: Reuters

Trong lúc EU nỗ lực thúc đẩy nhanh chóng việc xây dựng lại niềm tin giữa bối cảnh khủng hoảng tài chính, 26 thành viên khối này đã quyết định phớt lờ Anh để tiếp tục các bước đi nhằm cứu đồng euro.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Herman Van Rompuy nói rằng, đầu tháng 3 tới, thỏa thuận của 26 nước sẽ được ký. Ông cũng bày tỏ thất vọng khi Anh đã dùng quyền phủ quyết đối với những sửa đổi trong Hiệp ước của EU. Song, ông Rompuy nhấn mạnh: Cánh cửa vẫn mở đối với London.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU ngày 8 và 9-12, các nhà lãnh đạo đã đạt thỏa thuận lập “liên minh tài chính”. Theo đó, mức thâm hụt cơ cấu hằng năm của các nước sẽ được khống chế ở mức 0,5% GDP và các biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng tự động với những nước có thâm hụt ngân sách vượt quá 3% GDP. Sáng kiến này nhằm siết chặt kỷ luật về ngân sách, tránh lặp lại khủng hoảng nợ công và tăng cường sự hội nhập bên trong khu vực. Tuy nhiên, Anh đã từ chối những sửa đổi trong Hiệp ước của EU.

Hãng Reuters cho biết, nhiều chính trị gia và nhà phân tích tin rằng, quyết định của Anh sẽ làm giảm sức ảnh hưởng của London trong việc định hình quy định tài chính. Bởi lẽ, 26 quốc gia thuộc EU sẽ thiết lập một chương trình nghị sự khác và tiếng nói của Anh sẽ không còn đủ sức nặng trong việc định hướng các quy định của liên minh già cỗi. Nigel Farage, thành viên Nghị viện châu Âu và là lãnh đạo Đảng Độc lập Vương quốc Anh, cho rằng hành động của Anh đồng nghĩa với việc cắt đứt quan hệ với các đối tác EU.

Một số quốc gia khác không sử dụng đồng euro như Thụy Điển, Hungary và Cộng hòa Czech vẫn cần có sự phê chuẩn của Quốc hội ở những nước này trước khi ủng hộ giải pháp chung của EU. Song, dù nhận được sự đồng thuận của 26 thành viên, nhưng theo các nhà phân tích, EU cũng khó giải quyết được khủng hoảng hiện tại. Theo ước tính, trong năm 2012, khối các nước sử dụng đồng euro cần đến hơn 1 tỷ USD. Con số này quá lớn đối với Quỹ Ổn định tài chính châu Âu và cũng chưa rõ châu Âu sẽ huy động các nguồn lực từ đâu để thực hiện các cam kết giải cứu. Tại Ba Lan, khoảng 5.000 người đã tập trung ở thành phố Warsaw để phản đối Hiệp ước EU mới sau khi Chính phủ nước này ủng hộ sáng kiến của Pháp và Đức để đối phó với khủng hoảng kinh tế.

Trong khi đó, tại Anh, Đảng Bảo thủ vẫn vượt qua Công đảng đối lập trong cuộc thăm dò ủng hộ do Hãng Reuters/ Ipsos MORI công bố ngày 14-12. Điều này minh chứng rằng, cử tri Anh ủng hộ việc Thủ tướng David Cameron phủ quyết Hiệp ước của EU. Tỷ lệ ủng hộ đối với Đảng Bảo thủ của ông Cameron là 47%, trong khi Công đảng chỉ giành được 39% và Đảng Dân chủ Tự do đạt 11%. Thăm dò do Báo Independent của Anh công bố cùng ngày cho thấy, 2 đảng lớn nhất sít sao nhau ở mức 38%. Những con số này khiến lãnh đạo Công đảng Ed Miliband lo lắng.

Với việc nói “không” với Hiệp ước EU, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cho rằng, sự suy thoái trong khối euro sẽ có thể cũng đẩy Anh vào suy thoái bởi nước này chiếm 1/2 giao dịch thương mại với EU. Song, chỉ 6% cử tri Anh dự đoán nền kinh tế nước này sẽ trở nên tồi tệ vào năm tới.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.